Ô nhiễm tiếng ồn: Không thể bó tay!
Ô nhiễm tiếng ồn: Không thể bó tay!
Bất chấp những quy định pháp luật, tình trạng khủng bố bằng tiếng ồn ở khu dân cư vẫn tồn tại. Dẹp nạn ô nhiễm tiếng ồn là nỗi mong chờ của người dân * CSGT TP HCM phối hợp trị vi phạm tiếng ồn
UBND TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức, chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn. Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của người dân.
Chịu không thấu với tiếng ồn
Cận kề những ngày cuối năm cũng là thời điểm nhiều trung tâm điện máy, cửa hàng điện thoại, thời trang… trên nhiều tuyến đường như Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), Trần Hưng Đạo (quận 5)… kê loa thùng sát mặt đường phát nhạc, quảng cáo âm lượng như tra tấn người đi đường.
“Từ 15-16 giờ, các cửa hàng thời trang trên đường Lê Văn Việt lại bật quảng cáo, cả con đường trở nên huyên náo. Không may có nhà trong khu vực này, chúng tôi bị “tra tấn” triền miên, đầu óc cứ quay cuồng, tim như bị ép, rất mệt mỏi” – chị Phương Anh (ngụ phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) bức xúc.
Có mặt trên đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) vào lúc 19 giờ ngày 6-1, chúng tôi ghi nhận dù không phải ngày cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực nhưng nhiều ôtô, xe máy phải tự quay đầu tìm đường khác vì lòng đường gần như bị chiếm trọn. Hàng quán san sát nhau nhưng quán nào cũng vặn to nhạc để thu hút khách, nhân viên tràn ra lòng đường tranh nhau chèo kéo khách tạo thành thứ âm thanh hỗn tạp, đinh tai, nhức óc.
Hơn 22 giờ, tiếng nhạc nơi đây lại càng chát chúa, inh ỏi hơn. Chị Nguyễn Thị Kim Hoa (ngụ tại khu vực này) bức xúc: “Dù là quán nhậu nhưng hoạt động không khác gì các quán bar, vũ trường. Nhà tôi đóng kín cửa mà 2 con nhỏ đang học lớp 2 và lớp 6 không thể nào học bài vì quá ồn. Người lớn sau một ngày làm việc mệt nhọc, về nhà cũng không thể nghỉ ngơi”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra dọc đường Phạm Văn Đồng, nơi quán nhậu, “bar vỉa hè” thi nhau sử dụng loa công suất lớn phát nhạc ầm ĩ mỗi đêm. Ông Nguyễn Ôn (ngụ phường 1, quận Gò Vấp) phản ánh: “Suốt 2 năm qua, báo đài thường xuyên phản ánh tình trạng này nhưng đâu vẫn vào đây. Hàng quán lộ thiên hoạt động như thách thức cơ quan chức năng”.
Loa công suất lớn phát quảng cáo tại một cửa hàng trên đường Phan Văn Trị (phường 5, quận Gò Vấp)Ảnh: Ý Linh
Chế tài mạnh, xử lý nghiêm
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), pháp luật quy định rõ hành vi gây tiếng ồn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường. Nếu gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155/2016/NĐ-CP; Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Tuy nhiên, thực tế hành vi gây tiếng ồn (loa thùng, karaoke) chỉ mới dừng lại ở mức nhắc nhở.
“Ô nhiễm tiếng ồn là nguyên nhân lớn thứ 2 sau ô nhiễm khói bụi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Điều người dân đang cần hiện nay là phải ngăn chặn được tình trạng này. Đã đến lúc cần một thiết chế pháp luật hiệu quả hơn trong việc chế tài hành vi gây ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm tiếng ồn. Kiến nghị sửa luật để có chế tài đủ mạnh, qua đó việc thanh tra, xử lý vi phạm sẽ đi vào thực chất. Về giải pháp căn cơ, cần kiểm soát số lượng phương tiện cá nhân cũng như thói quen sử dụng còi xe, xe quá niên hạn; quản lý các cơ sở kinh doạch dịch vụ phát ra tiếng ồn; quy định thời gian thi công, xây dựng, sửa chữa các công trình xây dựng; nâng cao ý thức của người dân; quy hoạch lại các nhà máy, xí nghiệp…” – luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM, nhận định việc hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư, lưu thông bấm còi inh ỏi… thuộc về ý thức cá nhân. Nếu một người không có ý thức thì cần bị điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Do vậy, để chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, cần phải phạt thật mạnh, thật nghiêm.
Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM, thì cho rằng để xử lý tiếng ồn đô thị, cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của nhiều sở ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương. Trong khi đó, một chủ tịch phường ở quận Gò Vấp cho rằng trong việc xử lý tiếng ồn khu dân cư, lực lượng công an giữ vai trò nồng cốt. Khi tiếp nhận phản ánh của người dân, công an cần đến tận nơi nhắc nhở, trường hợp chủ nhà tiếp tục gây ồn thì yêu cầu kiểm tra hành chính với những người tham dự bữa tiệc, vi phạm thì xử lý nghiêm.
Còn theo một thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, để xử lý tiếng ồn tại khu dân cư, lực lượng địa phương giữ vai trò chủ đạo. Theo vị này, hiện nay các vi phạm về tiếng ồn công nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp…thì thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ dùng thiết bị đo đạc để xác định mức độ vi phạm và xử lý theo quy định của Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Với tiếng ồn phát sinh trong khu dân cư chủ yếu do hát karaoke thì lực lượng xử lý chính là địa phương, chủ lực là công an phường, xã áp dụng các quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử lý. Địa phương là nơi sát với tình hình dân cư, ngoài nhắc nhở, xử lý người vi phạm có thể tuyên truyền tại cuộc cuộc họp khu phố, tổ dân phố… để người dân nhắc nhở nhau.
Nhìn ở góc độ kiến trúc, thạc sĩ – kiến trúc sư Nguyễn Khiêm (Giám đốc Công ty Laperle), cho rằng nhà ở tại nước ta chất lượng cách âm khá thấp do thói quen xây tường đơn để tiết kiệm chi phí thay vì tường đôi có lớp không khí nhằm cách âm và cách nhiệt ở giữa. Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu vùng nhiệt đới nên cần không gian thông thoáng như giếng trời, sân vườn trong nhà, hàng hiên… nên khả năng ngăn chặn tuyệt đối tiếng ồn trong căn nhà là một bài toán khó cho những kiến trúc sư khi thiết kế.
“Gần đây, cơ quan quản lý tăng cường xử lý vi phạm tiếng ồn là một tín hiệu lạc quan, tích cực. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, nên có những quy định chi tiết về mức độ vi phạm tiếng ồn và mức chế tài cụ thể để cảnh tỉnh và thay đổi hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn” – ông Nguyễn Khiêm đề xuất.
CSGT TP HCM phối hợp “trị” vi phạm tiếng ồn
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP HCM, Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt sẽ triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống và xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn.
Sau giai đoạn tuyên truyền về nhận diện tiếng ồn, các loại tiếng ồn trong đô thị, quy định của pháp luật trong xử lý vi phạm về tiếng ồn…, CSGT TP sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình các khu vực, tuyến đường thường xuyên có sử dụng thiết bị âm thanh vi phạm về an ninh trật tự, gây ồn ào, huyên náo, lấn chiếm lòng lề đường, hành lang an toàn đường bộ như các loại hình hát “karaoke loa kẹo kéo”… Trên cơ sở đó, CSGT sẽ phối hợp các tổ công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Người đứng đầu chịu trách nhiệm
Trong chỉ đạo mới của UBND TP HCM, địa phương, cấp huyện, cấp xã nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh hoặc an ninh trật tự thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức. UBND TP HCM cũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả hơn nữa vi phạm về tiếng ồn.
Trước đó, tại cuộc họp báo cáo về kết quả bước đầu việc xử lý tiếng ồn trên địa bàn TP HCM ngày 26-4-2021, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nêu ý kiến đã có nhiều quy định pháp luật để xử lý vi phạm tiếng ồn. Nếu quy định này không phù hợp thì linh động áp dụng quy định khác. Đặc biệt ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh đến vai trò của chủ tịch phường, xã, quận, huyện. “Tôi khẳng định không có gì là khó khăn ở đây mà vấn đề phải biết sử dụng quy định pháp luật nào để xử lý” – ông Võ Văn Hoan nói.
Về việc xử lý tiếng ồn hát karaoke bằng loa kẹo kéo, Ủy ban MTTQ TP HCM cũng nhiều lần kiến nghị thành phố đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo vào hương ước, quy ước của khu phố, tổ dân phố để các hộ dân tự nguyện thực hiện trên nguyên tắc văn minh, tôn trọng lẫn nhau.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị