“Tình người Hà Nội”- Bài thơ hay trong mùa Covid
Tình người Hà Nội
Hà Nội ơi!
Tôi nhớ những ngày vui
Phố, chợ đông người đi tấp nập
Mùa thu về thơm hương làng cốm
và Hồ Gươm xanh như mắt em
Tôi nhớ, phố Phan Đình Phùng áo trắng ngẩn ngơ
Mùa lá bay, em có còn nhặt nắng?
Phủ Tây Hồ đường về phố vắng
Mùa sen còn thắm mà anh xa em!
Hà Nội ơi!
Dịch covid âm thầm bùng phát lây lan
Ranh giới tử thần trong từng hơi thở
Mong manh kiếp người sinh tử
Trong nỗi đau sáng lên tình yêu con người.
Hà Nội ơi!
Lời trái tim tôi
Ước mở vòng tay đong đầy nghĩa cử
Gửi yêu thương cùng cả nước một lòng.
Tôi ước mơ và tôi cầu mong
Cả nước tự tin kiên cường chống dịch
Bão dịch qua rồi, bình yên về đích
Vang khúc khải hoàn – Hà Nội mến yêu ơi./.
Đó là bài thơ của Nhà báo Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng mới sáng tác. Tào Khánh Hưng được làng báo biết tên, còn làm thơ viết nhạc là niềm đam mê “tay trái” của anh.
Chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, hiện nay. Tuyên truyền cổ động, khích lệ, cổ vũ tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ, hỗ trợ của người dân, cộng đồng và xã hội, trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid 19, là trách nhiệm của các nhà báo, nhà văn, còn nhà thơ nhạc sĩ thì sao? Không phải họ không có tác phẩm, nhưng để tác phẩm được lan truyền và đọng lại trong xã hội mới là việc khó. Nhà báo Tào Khánh Hưng thấy được trách nhiệm của người cầm bút, nhưng viết gì đây, khi anh chọn thể loại thơ, để thể hiện tình cảm của mình, cùng toàn dân tham gia chống đại dịch covid. Rõ ràng, đây là đề tài truyền thông, tuyên huấn, nhưng thể hiện sao cho mềm mại có tình, không thể nói to hô hào cả nước, không thể nói riêng chỉ để cho mình, Tào Khánh Hưng đã chọn một tình cảm chung của người Hà Nội, trong đó có tình cảm riêng của chính mình đó là “Tình người Hà Nội”.
“Tình người Hà Nội” ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid, anh thể hiện trong thơ như thế nào? Tào Khánh Hưng nhớ: “Hà Nội ơi! Tôi nhớ những ngày vui /Phố, chợ đông người đi tấp nập”. Hẳn đây là hình ảnh của những mùa đường phố đông vui, ngày chưa covid. Bây giờ covid đã kéo dài qua tháng 7, tháng 8, qua mùa Thu hương cốm Thủ đô. Thế nên anh nhớ: “Mùa Thu về thơm Hương làng cốm / Và Hồ Gươm xanh như mắt em”.
Hai câu thơ này là nét đặc trưng của mùa Thu Hà Nội, nhưng chỉ là câu thơ ngoại cảnh, chỉ là cầu nối cho nỗi nhớ của anh với em của mùa Thu xưa: “Tôi nhớ, Phố Phan Đình Phùng áo trắng ngẩn ngơ/Mùa lá bay, em có còn nhặt nắng?/Phủ Tây Hồ đường về phố vắng/Mùa Sen còn thắm mà anh xa em!
Đây chính là điểm nhấn neo lại của bài thơ, tình yêu cho thơ thêm mềm mại, 4 câu thơ trên, là phát hiện mới của Tào Khánh Hưng, về thế hệ tuổi hồng, áo trắng ngẩn ngơ trên đường phố Phan Đình Phùng, em ngẩn ngơ trên đường, “Mùa là bay, em có còn nhặt nắng”. Mùa lá bay ta có thơ mộng mơ nhặt lá, nhưng chẳng ai nhặt được nắng bao giờ. Câu thơ đọng và hay ở cái mộng mơ giữa đời thường như vậy.
Hai câu cuối của khổ thơ đầu, khép lại một nỗi buồn phảng phất, câu thơ báo trước cảnh chia xa, cho ta vào sâu lắng tình người, một điều linh cảm vì sao“Phủ Tây Hồ đường về phố vắng” bởi vì“Mùa Sen còn thắm mà anh xa em!
Đây chính là nghệ thuật, cách dắt dẫn của nhà thơ, cả khổ thơ đầu, nỗi nhớ Hà Nội chỉ là cái cớ, để Tào Khánh Hưng trải lòng mình nói về đại dịch Covid hôm nay ở Hà Nội, với nỗi đau sinh tử, mong manh trong ranh giới tử thần:“Hà Nội ơi! Dịch Covid âm thầm bùng phát lây lan/Ranh giới tử thần trong từng hơi thở/ Mong manh kiếp người sinh tử /Hà Nội sáng lên một tình yêu con người”.
Khi đã dắt bạn đọc vào điểm nhấn của thơ, Hà Nội hôm nay “Dịch Covid âm thầm bùng phát lây lan”, đó là câu nói, không phải là thơ, nhưng câu nói này mang thông điệp của nó, rằng nếu cộng đồng không chung tay chống dịch thì “Ranh giới tử thần trong từng hơi thở” lại là tứ thơ lắng động có hồn, để hướng tới một hành động một tình yêu con người, sáng lên trong cam go thử thách. Đó là lời của trái tim tác giả, là lời của trái tim triệu triệu người Hà Nội “Ước mở vòng tay đong đầy nghĩa cử/Gửi yêu thương cùng cả nước một lòng”.Tình người Hà Nội cũng là tình cảm riêng của nhà thơ Tào Khánh Hưng, ước mơ và cầu mong: “Cả nước tự tin kiên cường chống dịch/ Bão dịch qua rồi, bình yên về đích/Vang khúc khải hoàn -Hà Nội mến yêu ơi”.
Giữa đại dịch Covid, Tào Khánh Hưng đã khắc họa được “Tình người Hà Nội” nhớ những ngày bình yên để thêm yêu Hà Nội, từ tình yêu ấy biến thành hành động đầy nghĩa cử, mở vòng tay yêu thương cùng cả nước kiên cường chống đại dịch Covid, để bình yên trở lại với non nước Việt Nam, mãi ngân vang khúc khải hoàn ca./.
Nguồn: Báo xây dựng