Việc xây dựng nhà ở cho công nhân quan trọng như thế nào?
Nhất thiết phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động
Nhấn mạnh đây chính là “sàn an sinh tối thiểu của người lao động”, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay ngoài công ăn việc làm chính là vấn đề nhà ở, nhà trọ. “Đây là vấn đề rất khó”, Bộ trưởng thừa nhận.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, để bảo đảm tính khả thi cao trong vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân, người lao động thì cần tính đến việc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp, như giảm lãi suất, cho vay xây nhà, hỗ trợ nhà trọ cho người lao động, doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân…. Điều này sẽ giúp gắn với người lao động với doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng việc Samsung hiện nay xây nhà đến đâu, người lao động ở đến đấy; trong khi nhiều địa phương xây dựng nhà cho công nhân nhưng tính khả thi lại chưa cao.
Do đó, về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, nhất thiết khi xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động, để bảo đảm sàn an sinh tối thiểu của người lao động, tránh để tình trạng như vừa qua.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, nhất thiết khi xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất cần phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động. Ảnh: Trọng Hải
4,2 triệu lượt người đã được hỗ trợ an sinh
Ngoài ra, tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã cung cấp thông tin về hiệu quả của hai gói chính sách an sinh xã hội lớn thời gian qua: Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, hai gói hỗ trợ này đã hỗ trợ 71.000 tỷ đồng, với 4,2 triệu lượt người được thụ hưởng; tiến độ giải ngân đều bảo đảm đạt và vượt.
Nói thêm về lực lượng lao động tự do, phi chính thức, Bộ trưởng cho biết Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất một số nội dung như hỗ trợ giữ chân người lao động, thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ cho người lao động công ăn việc làm mới ở địa phương và lực lượng lao động phi chính thức.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ Nghị quyết số 42 của Chính phủ năm ngoái, nội dung này sẽ triển khai theo hướng tiếp cận khác: Thay vì chủ trương Trung ương trực tiếp hỗ trợ lao động tự do mà sẽ để địa phương đảm đương việc này.
Nguồn: hoanhap.vn