Ngân hàng siết ‘rót’ vốn cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán

Ngân hàng siết ‘rót’ vốn cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán

MTĐT –  Thứ sáu, 07/01/2022 08:24 (GMT+7)

Theo điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng mới đây do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, từ nay tới tháng 6/2022, các ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán…

Hiện, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cũng “thắt chặt hơn” yêu cầu về tài sản bảo đảm; điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Hệ thống ngân hàng phải hướng dòng vốn tín dụng năm 2022 vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng “đen”. “Đối với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu, quan điểm của NHNN là phải kiểm soát chặt. Tuy nhiên, NHNN vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự, chính đáng. Còn bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao thì vẫn kiểm soát chặt chẽ”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Ngân hàng siết ‘rót’ vốn cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán
Dự kiến năm 2022, có tới 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và chỉ 2% lo ngại lợi nhuận giảm. Ảnh: TTXVN.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD, dự kiến quý I/2022, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tiếp tục bỏ xa tăng trưởng huy động vốn. Cụ thể: Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% quý I/2022 và tăng 14,1% năm 2022. Trước đó theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24/12/2021, huy động vốn của toàn hệ thống TCTD tăng 8,44%, thấp hơn nhiều mức tăng 12,97% của dư nợ tín dụng.

Đáng chú ý, kết quả điều tra cho hay các TCTD nhận định, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” quý IV/2021 nhưng kỳ vọng “giảm nhẹ” trở lại quý I/2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các TCTD dự kiến “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Các TCTD cho biết cơ sở để dự kiến “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục là kỳ vọng về các yếu tố “Triển vọng kinh tế vĩ mô” khả quan, “Chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN” cùng với “Năng lực tài chính của TCTD” được cải thiện hơn.

Liên quan đến lãi suất, mặc dù khoảng đầu tháng 12/2021, một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động vốn nhưng mặt bằng lãi suất huy động – cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn được các TCTD dự báo có xu hướng “giảm” nhưng mức độ giảm bình quân toàn hệ thống so với cuối năm 2020 có điều chỉnh thu hẹp. Dự báo mặt bằng lãi suất được giữ ổn định trong quý I/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.

Về hoạt động kinh doanh, 72,2 – 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn quý I và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021. Cụ thể quý I/2022, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ” (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. Dự kiến năm nay, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích