Hải Phòng: Ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021-2022
(Xây dựng) – Để khắc phục và tạo nhiều chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI năm 2021 – 2022 của thành phố Hải Phòng.
Bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020. |
Kế hoạch ban hành với mục đích nhằm giữ vững vị trí xếp hạng PCI của thành phố Hải Phòng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt; điểm số PCI đạt từ 70 điểm trở lên. Tập trung cải thiện mạnh vào 3 chỉ số thành phần có trọng số lớn trong chỉ số PCI nhưng bị giảm điếm trong năm 2020 bao gồm: Chỉ số tính minh bạch (20%), chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (20%), chỉ số đào tạo lao động (20%).
Mục tiêu phấn đấu 10 chỉ số thành phần trong năm 2021 đạt mức như sau: Chỉ số chi phí gia nhập thị trường đạt từ 7,5 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 35 trở lên. Chỉ số tiếp cận đất đai đạt từ 7 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 40 trở lên. Chỉ số tính minh bạch đạt từ 6,5 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 26 trở lên. Chỉ số chi phí thời gian đạt từ 7,5 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 40 trở lên. Chỉ số chi phí không chính thức đạt từ 7 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 30 trở lên. Chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt từ 6,9 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 9 trở lên. Chỉ số tính năng động đạt từ 7 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 14 trở lên. Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt từ 7 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 14 trở lên. Chỉ số đào tạo lao động đạt từ 8,3 điểm trở lên, xếp vị trí thứ 1. Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt từ 7,3 điểm trở lên, xếp thứ hạng từ vị trí 13 trở lên.
Cải thiện điểm số đối với 3 chỉ tiêu trong chỉ số chi phí thời gian: Cán bộ công chức thân thiện, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, thủ tục giấy tờ đơn giản, năm 2021 tăng vị trí xếp hạng lên từ 5-10 bậc. Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên khi thực hiện thủ tục hành chính.
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu: Chính quyền minh bạch, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với khát vọng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo tinh thần “đổi mới – sáng tạo – minh bạch – công tâm – đồng hành cùng doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và doanh nghiệp trên tinh thân “hỗ trợ – lắng nghe – thấu hiểu – thân thiện – nhiệt tình”.
Quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và thanh toán không dùng tiền mặt; khẩn trương thực hiện tích hợp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia. Thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đi vào thực chất và hiệu quả, tránh thực hiện hình thức và chạy theo thành tích.
Kế hoạch đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện liên quan đến các chỉ số đó là: Chỉ số gia nhập thị trường; chỉ số tiếp cận đất đai; chỉ số tính minh bạch; chỉ số chi phí thời gian; chỉ số chi phí không chính thức; chỉ số cạnh tranh bình đẳng; chỉ số tính năng động; chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chỉ số đào tạo lao động; chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng chủ trì, tổ chức giám sát việc thực hiện kế hoạch này tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, đơn vị. Hàng năm, tổ chức đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương xếp thứ hạng cao về chỉ số PCI để đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chung của thành phố. Sở Nội vụ đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong tham mưu thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của thành phố Hải Phòng năm 2020 và các năm tiếp theo…
Nguồn: Báo xây dựng