Con đường 50 năm thúc đẩy năng suất của Singapore

Cuốn sách 50 năm thúc đẩy năng suất của Singapore không đơn thuần chỉ là một biên niên sử về sự quyết tâm của một quốc gia trong việc nâng cao năng suất, lấy năng suất làm nền tảng chính dẫn đến sự thành công. Kinh nghiệm của Singapore qua lời kể của tác giả Woon Kin Chung và Loo Ya Lee là một hành trình phát triển phong trào năng suất đầy cảm hứng, một hình mẫu lý tưởng chứng minh năng suất có mặt ở tất cả các lĩnh vực và xã hội của một quốc gia và trở thành một phong cách sống.

TS. Mochtan, Tổng thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) bày tỏ rất vui mừng khi chia sẻ về cuốn sách được TS. Hà Minh Hiệp (chuyên gia tư vấn một số dự án, chương trình năng suất và sản xuất thông minh của Tổ chức Năng suất châu Á) dịch sang tiếng Việt nhằm truyền tải câu chuyện thành công của Singapore đến đông đảo bạn đọc trong cả nước, qua đó góp phân thúc đẩy và làm sâu sắc hơn hành trình chuyển đổi năng suất của Việt Nam.

TS. Mochtan nhấn mạnh: “Việt Nam và Singapore đều là thành viên của Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Hai quốc gia đều thuộc nhóm những nền kinh tế thành viên có hiệu suất cao với các thành tích về năng suất liên tục được cải thiện.

TS. Woon kin Chung và TS. Hà Minh Hiệp đều là những người dẫn đầu trong việc thúc đẩy các thành tựu này ở quốc gia của mình. Khả năng lãnh đạo, kinh nghiệm thực tiễn, tư duy sâu sắc và sự cống hiến của họ đã đóng góp to lớn vào hoạt động của APO, đặc biệt là trong việc thúc đẩy phong trào năng suất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vốn là sứ mệnh quan trọng của APO.”

TS. Mochtan, Tổng thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) 

Câu chuyện của Singapore chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho Việt Nam và Việt Nam sẽ cần phải định hướng con đường phát triển năng suất cho riêng mình, định hình tư duy và văn hóa năng suất trên cả nước. Nền kinh tế của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi với những thành công đáng kể. Đặc biệt là quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường bắt đầu từ giữa những năm 1980 đã dẫn đến sự phát triển kinh tế và sự tiến bộ của đất nước một cách đầy ấn tượng trong thập kỷ vừa qua.

Trong giai đoạn 2020-2030 tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức trên 6%, cao hơn mức tăng trưỏng GDP trung bình dự kiến của ASEAN và thuộc mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APO, Productivity Databook, 2019). Mặc dù vậy, cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam lại khác hẳn so với Singapore.

Tỷ trọng khu vực nông – lâm – ngư nghiệp trong GDP của Việt Nam là cao nhất trong ASEAN. Bình quân tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp trong GDP của ASEAN là 11%, trong khi của Việt Nam là 17%. Công nghiệp – xây dựng đóng góp 37% vào GDP và dịch vụ là 46% vào GDP của Việt Nam.

Kế hoạch và chiến lược phát triển năng suất quốc gia của Việt Nam cũng sẽ phải tính đến những thách thức và cơ hội hiện tại bao gồm việc vạch ra hướng đi mới phát triển theo cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số trong khi vẫn đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.

Với vai trò là thành viên của APO, TS. Mochtan hy vọng rằng kế hoạch chi tiết về hành trình phát triển năng suất của Việt nam cũng sẽ có các chiến lược thực hiện các mục tiêu đề ra trong tầm nhìn APO 2025 đó là phát triển năng suất bao trùm và dựa trên đổi mới sáng tạo.

“50 năm thúc đẩy năng suất của Singapore” là một cuốn sách có ý nghĩa rất quan trọng trong hành trình phát triển năng suất trong khu vực nói chung và Singapore nói riêng. Cuốn sách sẽ góp phần đáng kể vào việc làm phong phú thêm hiểu biết về vai trò trung tâm của năng suất đối với sự phát triển của quốc gia trong đó có Việt Nam, của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước.

TS. Mochtan cho biết: “APO luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ đất nước và người dân Việt Nam trong hành trình này để đạt được sự phát triển và tiến bộ hơn nữa”.

Doãn Trung

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích