Quảng Ninh: Phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn nét đẹp văn hóa

(Xây dựng) – Mới đây, ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thực tế kiểm tra Đề án tổng thể phát triển công trình hạ tầng kết cấu giao thông tại các huyện: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ (nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống) chỉ đạo đầu tư công trình xây dựng, phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số vùng cao.

quang ninh phat trien kinh te di doi voi giu gin net dep van hoa
Ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế xã hội phải đi đôi với giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc vùng rẻo cao biên giới (Ảnh: Nguyễn Thanh).

Về Đề án tổng thể phát triển hạ tầng giao thông, khai thác tiềm năng du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ là quy hoạch chung của Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Nội dung nghiên cứu, phân tích thực trạng về kinh tế – xã hội; kết cấu hạ tầng giao thông; khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch… Đồng thời, Đề án bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và Nghị quyết số 06- NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế – xã hội, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy trong chuyến công tác này đã ghi nhận: Các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ có hệ thống cầu đường cơ bản đáp ứng được yêu cầu giao thông miền núi và thông thương liên huyện, kết nối tốt với đường tỉnh lộ, đường quốc lộ. Các tuyến giao thông được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới và đạt 100% tiêu chí hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, đến nay một số dự án, công trình do được đầu tư từ lâu đã hư hỏng. Nhiều công trình khi đưa vào sử dụng đã bộc lộ những hạn chế về quy mô, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngay ở hiện tại và đón đầu được sự phát triển trong tương lai gần. Các địa phương này cũng chưa có nhiều công trình có tính động lực, đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch, lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Trên cơ sở đề xuất của các huyện: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ trong việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở vùng rẻo cao này, nhằm phát triển kinh tế xã hội liên kết vùng sơn khu hải đảo, Ông Cao Tường Huy chỉ đạo: Trong xu thế phát triển của tỉnh, các địa phương cần chủ động, tích cực, đón bắt và tận dụng mọi cơ hội thu hút đầu tư để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hẹp chênh lệch giàu nghèo ngay ở cùng một địa phương. Việc đầu tư hệ thống cầu đường giao thông, cần nghiên cứu kỹ về sự cần thiết đầu tư, tránh đầu tư manh mún hiệu quả kinh tế thấp, lãng phí ngân sách.

Trong chuyến thực tế kiểm tra tại ba huyện miền Đông của Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy chỉ đạo đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội phải đi đôi với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; chú trọng giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc miền núi, công trình văn hóa vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể là sản phẩm du lịch, còn là mốc son văn hóa nơi vùng cao biên giới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích