Hàng loạt dấu hiệu sai phạm về môi trường của công ty Hoàng Minh (bài 1)

Hàng loạt dấu hiệu sai phạm về môi trường của công ty Hoàng Minh (bài 1)

Hoàng Minh –  Thứ năm, 06/01/2022 17:35 (GMT+7)

Giám sát không có năng lực, chuyển nhượng dự án vi phạmHàng loạt dấu hiệu sai phạm của công ty Hoàng Minh trong việc thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia bị UBND TP.HCM vạch trần.

Công ty vợ thi công, công ty chồng giám sát

Dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia, huyện Cần Giờ thuộc vùng nước trên sông Gò Gia, đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia đến ngã ba sông Thị Vải về phía hạ lưu, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương, Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hoàng Minh (gọi tắt công ty Hoàng Minh, người đại diện pháp luật là bà Tạ Thị Kim Oanh, chức vụ giám đốc) là đơn vị thi công thực hiện nạo vét 08 bến phao (BP1, BP2, BP3, BP4, BP8, BP9, BP10, BP11) theo hợp đồng số 19/2016/HĐNV-XHH ngày 19/4/2016 và phụ lục số 04/PLHĐ ngày 15/7/2019 với tổng khối lượng 2.749.794m3. Dự án bắt đầu thi công từ tháng 5/2016 đến nay đã gia hạn 5 lần kéo dài thời hạn đến hết ngày 31/12/2021.

Ngày 29 tháng 04 năm 2021, UBND TP.HCM có văn bản số 1309/UBND-ĐT về dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên song Gò Gia, huyện Cần Giờ gửi Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam. Qua đó đơn vị này cho biết qua phối hợp với các cơ quan ban ngành kiểm tra, giám sát quá trình thi công dự án trên do công ty Hoàng Minh thực hiện đã phát hiện quá trình thi công dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên. Cụ thể văn bản có nội dung như sau:

Đơn vị tư vấn giám sát không đảm bảo các quy định của Bộ GTVT:  Theo hợp đồng số 19/2016/HĐNV-XHH ngày 19 tháng 4 năm 2016 đã ký với Cục Hàng hải Việt Nam, công ty Hoàng Minh có trách nhiệm lựa chọn, ký kết hợp đồng với đơn vị tư vấn giám sát độc lập, có năng lực để giám sát quá trình thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật và có ý kiến chấp thuận của Cục Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên hồ sơ dự án đến nay chưa có tài liệu thể hiện đơn vị tư vấn nói trên (công ty  cổ phần tư vấn Bảo Lộc) được Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn, chấp thuận theo quy định và có nhiều dấu hiệu không thể hiện được năng lực và tính độc lập của đơn vị này.

tm-img-alt
Liệu công ty Hoàng Minh có lợi dụng “vỏ bọc” thực hiện dự án xã hội hóa để tận thu cát khiến tài nguyên, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng? (ảnh minh họa)

Công ty cổ phần tư vấn Bảo Lộc (gọi tắt là công ty Bảo Lộc) hoạt động theo giấy phép số 0314443193 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp lần đầu ngày 05/06/2017; thay đổi lần 1 ngày 20/06/2019. Địa chỉ: 57-59 Hồ Tùng Mậu, phường Bến Nghé, quận 1. Người đại diện theo pháp luật bà: Nguyễn Nhật Hoàng Kim – Tổng giám đốc. Công ty Bảo Lộc có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm 03 người là Nguyễn Đắc Cường (96% vốn điều lệ), Nguyễn Nhật Hoàng Kim (2% vốn điều lệ), Trần Trung Hiếu (2% vốn điều lệ).

Ông Nguyễn Đắc Cường là chồng của bà Tạ Thị Kim Oanh – giám đốc công ty Hoàng Minh. Công ty Bảo Lộc là đơn vị tư vấn giám sát do ông Nguyễn Đắc Cường là cổ đông sáng lập chiếm 96% vốn điều lệ, gieo em ruột là Nguyễn Nhật Hoàng Kim làm tổng giám đốc điều hành, thực hiện tư vấn giám sát cho dự án do công ty Hoàng Minh của vợ ông Cường  thực hiện thi công. Điều này không đảm bảo yếu tố khách quan, giám sát độc lập ngay từ giai đoạn đầu thực hiện dự án.

Ngoài ra, công ty Bảo Lộc không có năng lực hoạt động, trụ sở làm việc không có nhân viên, máy móc thiết bị. Tài liệu báo cáo thuế do Chi cục Thuế quận 1 thể hiện: Từ khi hoạt động tháng 6/2017 đến tháng 6/2020 không phát sinh doanh thu (doanh số bằng 0), không xuất hóa đơn thuế GTGT.

Thi công kéo dài, vi phạm chuyển nhượng

Cũng theo văn bản số 1309/UBND-ĐT của UBND TPHCM, công ty Hoàng Minh đã khiến tiến độ thi công dự án kéo dài, không đảm bảo mục tiêu dự án và chuyển nhượng dự án vị phạm nội dung hợp đồng thực hiện dự án. Văn bản nêu rõ:

Dự án được hình thành với mục tiêu là phục vụ ghe tàu chuyển tải than đá cho các nhà máy nhiệt điện khu vực đồng bằng song Cửu Long được đưa vào khai thác trong quý II/2017 kết hợp làm khu neo đậu tránh trú bão cho các phương tiện thủy. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã được gia hạn thi công 5 lần, kéo dài đến hết ngày 31/12/2021. Hiện nay mới chỉ bàn giao được 03 bến phao (BP1, BP2, BP3), còn 5 bến phao đang thi công (BP4, BP8, BP9, BP10, BP11). Khối lượng thi công trung bình hàng tháng rất ít, khoảng 20.500m3/ tháng so với khối lượng cam kết khi ký hợp đồng là 307.572m3/ tháng.

Đáng chú ý, việc chuyển nhượng dự án vi phạm nội dung hợp đồng thực hiện dự án. Cụ thể: Ngày 9/10/2020, bà Tạ Thị Kim Oanh – giám đốc công ty Hoàng Minh ký hợp đồng chuyển nhượng 100% phần vốn góp doanh nghiệp trị giá 200 tỷ đồng cho ông Huỳnh Tuấn Vũ (SN 1987) và sau đó thay đổi người đại diện pháp luật và chủ sở hữu doanh nghiệp sang ông Huỳnh Tuấn Vũ, thay đổi di dời trụ sở về địa chỉ: 459 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó đến ngày 29/10/2020 ông Huỳnh Tuấn Vũ ký hợp đồng chuyển lại doanh nghiệp cho bà Tạ Thị Kim Oanh và thay đổi chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật sang bà Tạ Thị Kim Oanh.

tm-img-alt
Văn bản của UBND TP.HCM nhận định về hàng loạt dấu hiệu sai phạm của công ty Hoàng Minh.

Qua xác minh, không có sự mua bán và thanh toán trên thực tế khoản tiền 200 tỷ đồng giữa ông Huỳnh Tuấn Vũ và công ty Hoàng Minh, cá nhân ông Huỳnh Tuấn Vũ là người không có công việc ổn định, có dấu hiệu né tránh, không hợp tác làm việc với cơ quan chức năng theo yêu cầu.

Công ty Hoàng Minh bán toàn bộ công ty bao gồm cả dự án mà không có sự chấp thuận của Bộ GTVT là vi phạm nội dung hợp đồng số 19/2016/HĐNV-XHH ngày 19/4/2016 đã ký với Cục Hàng hải Việt Nam.

 Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về những dấu hiệu sai phạm của công ty Hoàng Minh trong các bài tiếp theo./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích