Thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh và Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức
(Xây dựng) – Ngày 16/7, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định “Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” và “Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh” theo hình thức trực tuyến giữa các điểm cầu tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị. |
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh – đơn vị tư vấn cho biết, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/10/2010. Thời gian qua, đồ án là định hướng quan trọng để thành phố xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư, xây dựng và phát triển một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bước đầu đã thu được một số kết quả cơ bản.
Căn cứ vào kết quả rà soát, đánh giá quá trình thực hiện, các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội mà đồ án đặt ra, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tồn tại nhiều thách thức liên quan đến vấn đề dân số, giao thông, phát triển đô thị, phát triển nông thôn, phát triển công nghiệp, y tế – giáo dục, công viên… Do vậy, thành phố cần phải thay đổi cho phù hợp với tính đa dạng hóa của nền kinh tế thị trường trong khu vực và toàn cầu, theo xu hướng chung phát triển đa cực, linh động thích ứng với điều kiện chung.
Công tác điều chỉnh quy hoạch lần này nhằm cụ thể hóa các đề án, chủ trương, định hướng và chương trình lớn của Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025); phù hợp với Điều chỉnh quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng tầm nhìn để đón những cơ hội mới, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của thành phố; ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp là toàn bộ diện tích thuộc ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh 209.555ha và khu đô thị biển Cần Giờ 2.870ha (bao gồm 21 quận, huyện và 01 thành phố).
Phạm vi nghiên cứu gián tiếp là đặt thành phố trong bối cảnh vùng Thành phố Hồ Chí Minh, quốc gia và quốc tế, chú trọng nghiên cứu trong tương quan với các đô thị trong khu vực Asean như Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, Jakarta, Manila… và hướng kết nối với quốc tế thông qua các tuyến hàng không, hàng hải quan trọng nhằm xác định các vấn đề đô thị cần tập trung giải quyết, phát huy tối đa tiềm lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh tương lai…
Đối với nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, theo đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm hạt nhân phát triển các hoạt động kinh tế tri thức, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại, cung ứng các hoạt động kinh tế liên kết và hợp tác phát triển trong phạm vi vùng và cả nước.
Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức là nghiên cứu lập quy hoạch chung thành phố Thủ Đức phù hợp định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển đô thị bền vững, thông minh; vừa đảm bảo tầm nhìn, chiến lược dài hạn, vừa tạo điều kiện khả thi để thực hiện các giải pháp cho các vấn đề đô thị như dân số, nhà ở, cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường, chuyển đổi số một cách quyết liệt, đồng bộ.
Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức xây dựng công cụ quy hoạch để quản lý phát triển thành phố Thủ Đức theo định hướng đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng phát triển kinh tế – xã hội – môi trường gắn liền với kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển.
Phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với tổng diện tích khoảng 21.156,9ha. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp là các quận huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và 02 tỉnh giáp ranh là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương…
Các thành viên hội đồng thẩm định đã đóng góp ý kiến đối với Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh để đơn vị tư vấn hoàn thiện, đảm bảo chất lượng công tác quy hoạch hơn nữa.
Hội đồng thẩm định cơ bản thống nhất với tờ trình về mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, sự cần thiết… lập Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức.
Điểm cầu trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh. |
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh phát triển là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Thành phố là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Là đô thị đặc biệt có điều kiện tự nhiên đa dạng, đặc thù mà không phải đô thị nào cũng có, Thành phố Hồ Chí Minh với sự tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh, có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước, tạo được môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch – thương mại – tài chính, ngân hàng…
Việc xem xét điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển của đô thị bền vững, thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế của thành phố.
Đối với Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật bổ sung đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở lập điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh; làm rõ hơn sự cần thiết về vai trò, vị thế, tính chất đô thị; các định hướng trong quá trình triển khai Quyết định số 24/QĐ-Tg của Thủ tướng Chính phủ; tác động của biến đổi khí hậu đối với thành phố; phạm vi, ranh giới lập quy hoạch cần rà soát lại phù hợp với các quy hoạch khác liên quan…
Bên cạnh đó, cần phân tích, đánh giá thêm hiện trạng đô thị; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng khối lượng lớn (TOD); có chiến lược hạ tầng kỹ thuật theo hướng đô thị thông minh, tập trung phát triển không gian ngầm; làm rõ mối quan hệ không gian giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức, giữa Thành phố Hồ Chí Minh với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Đối với Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, Bộ trưởng nhận định: Nhiệm vụ thể hiện các nội dung mang tính chiến lược, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh…
Bộ trưởng yêu cầu rà soát, bổ sung căn cứ lập quy hoạch; làm rõ tính kết nối giữa thành phố Thủ Đức với các đô thị xung quanh, phân định rõ chức năng với khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung tài liệu, số liệu, rà soát tiêu chí, tiêu chuẩn cần hoàn thiện theo tiêu chí đô thị loại I; rà soát hiện trạng kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất…
Về định hướng phát triển, nhiệm vụ quy hoạch cần yêu cầu làm rõ dự báo kinh tế – xã hội, dân số, đất đai, tác động của điều kiện tự nhiên tới thành phố; có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hệ thống các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, thành phố thông minh, thành phố đổi mới sáng tạo; đánh giá môi trường chiến lược…
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan chức năng, tư vấn nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định để bổ sung, hoàn chỉnh Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh và Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ Xây dựng làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: Báo xây dựng