Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai khẩn trương, kịp thời

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách chưa từng có tiền lệ nhằm đảm bảo an sinh xã hội gắn với phục hồi, phát triển thị trường lao động. Theo đó, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng. thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Trên 33.500 tỷ đồng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23

Ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP (sửa đổi bởi Nghị quyết số 126/NQ-CP) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (sửa đổi bởi Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg) về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch được ban hành, việc hỗ trợ được tiến hành khẩn trương, thông thoáng, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, thuận tiện, người lao động và người sử dụng lao động nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng (gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).

Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 hướng tới 12 nhóm đối tượng, trong đó có thể phân thành 3 nhóm lớn: Nhóm chính sách về bảo hiểm; Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền; Nhóm chính sách cho vay vốn.

Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai khẩn trương, kịp thời
Trao hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do ở quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh minh họa

Đối với Nhóm chính sách về bảo hiểm, tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng, hỗ trợ cho 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động. Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với 11.238.000 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 58/63 tỉnh, thành phố với tổng số 844 đơn vị sử dụng lao động và 160.005 người lao động, tổng kinh phí 1.112,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 4.644 lao động tại 45 đơn vị sử dụng lao động để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề. Tại 08 tỉnh, thành phố, 13 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 4,33 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 1.252 người lao động.

Đối với Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 25.810 tỷ đồng (tương đương 245% kế hoạch dự toán), hỗ trợ trên 18 triệu đối tượng. Trong đó, trên 1,21 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với tổng số tiền 4.259 tỷ đồng; 482.265 người lao động ngừng việc được hỗ trợ gần 635 tỷ đồng; 2.650 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 10,5 tỷ đồng; 24.400 người lao động mang thai và 376.385 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người.

707.353 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 473 tỷ đồng. 52.850 trẻ em, 10 người cao tuổi và 04 người khuyết tật là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người; 1.602 đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được hỗ trợ kinh phí 5,9 tỷ đồng; 14.700 hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ kinh phí 54,5 tỷ đồng; 253.555 hộ kinh doanh được hỗ trợ với kinh phí 718 tỷ đồng. Trên 14,91 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 19.600 tỷ đồng.

Đối với Nhóm chính sách cho vay vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã phê duyệt hồ sơ cho 2.485 lượt người sử dụng lao động vay vốn trên 2.325 tỷ đồng để trả lương cho 605.711 lượt người lao động. Trong tổng số người sử dụng lao động được hỗ trợ vay vốn, số đơn vị sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc chiếm 58,4%; số người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động chiếm 28,3%; số người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm 13,3%.

Hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp – chính sách chưa từng có tiền lệ

Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai khẩn trương, kịp thời
Các chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp doanh nghiệp và người dân từng bước vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa.

Đây là chính sách chưa từng có tiền lệ, góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Chính sách vừa đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng; vừa có sự chia sẻ rủi ro; thể hiện vai trò “giá đỡ” của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho chủ sử dụng lao động và người lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đến nay đơn vị đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Có 351.566 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 12.105.125 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.636.875 người. Có 28.827 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Đến nay, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.800.278 lao động (gồm 11.709.841 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.437 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.323 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 30.069 tỷ đồng cho 12.698.562 người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.

Một số chính sách an sinh xã hội khác

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 46 tỉnh, thành phố hỗ trợ 14,68 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em, gồm 2.840 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 và 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.

Năm 2021, tính đến tháng 11/2021, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp 6.343,095 tấn gạo hỗ trợ 422.873 người (115.538 hộ) thiếu đói dịp giáp hạt; hỗ trợ 739,86 tấn gạo cứu đói cho 12.957 hộ với 49.324 nhân khẩu thiếu đói do thiếu đất lúa sản xuất vụ Hè Thu năm 2021. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp 141.971,19 tấn gạo hỗ trợ cho 9.464.746 người (2.412.311 hộ) thiếu đói do đại dịch Covid-19.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích