Hà Nội: Xác định nguyên nhân vụ nổ ở Định Công Thượng làm 3 người tử vong
Hà Nội: Xác định nguyên nhân vụ nổ ở Định Công Thượng làm 3 người tử vong
Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội có thông tin chính thức về vụ nổ bình gas khiến 3 người trong gia đình tử vong thương tâm.
Nguyên nhân vụ nổ được xác định là do hở bình gas.
Tại hiện trường, phần mái nhà lợp fibro xi măng bị thổi bay, vỡ nát; cửa sổ, cửa chính bị bật văng bản lề ra ngoài, vỡ thành từng mảnh. Khu vực cháy khoảng 10m2 thuộc 1 phòng trọ nằm trong 2 dãy nhà trọ cấp bốn, 1 tầng, nằm sâu trong ngõ nhỏ, rất khó khăn cho công tác cứu hộ và tiếp cận của xe chữa cháy.
Trước đó, khoảng 21h27 ngày 3/1, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội tiếp nhận tin báo tại ngách 79, ngõ 18 Định Công Thượng (phường Định Công, quận Hoàng Mai) xảy ra nổ bình gas gây cháy. Đến 22h cùng ngày, vụ cháy được dập tắt.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện anh P.H.H. (SN 1995; HKTT: xã Phú Lãi, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình), chị T.T.T. (SN 1994; cùng địa chỉ, là vợ anh H.) và anh P.D.H. (SN 1995; cùng địa chỉ, là em anh P.H.H.). Cả 3 người đều đã tử vong.
Sau sự việc này, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cẩn thận trong sử dụng điện, gas và những nguyên vật liệu dễ cháy; chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy khi sử dụng, kinh doanh gas, nhất là trong mùa hanh khô dịp cuối năm.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy phát sinh từ gas, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an TP Hà Nội khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Chọn bếp gas có chất lượng tốt, rõ nguồn gốc xuất xứ, nên sử dụng các loại bếp có các bộ phận an toàn như: Rơle an toàn khi tắt lửa, Rơle an toàn khi quá nhiệt…
Lắp đặt bếp gas ở nơi thông thoáng, nhưng tránh gió lùa trực tiếp, không đặt ở nơi ẩm ướt hoặc nơi có môi trường ăn mòn. Bếp đặt cách mặt tường các bên 15cm, các vật treo phía dưới tối thiểu 1,5m.
Bình gas phải đặt ở trạng thái thẳng đứng khi sử dụng. Nơi để bình phải thoáng khí, dễ thấy. Bình gas phải đặt cách xa nguồn nhiệt và nơi có thể phát sinh tia lửa (ổ cắm, công tắc, thiết bị điện…) tối thiểu 1,5m.
Ống dẫn gas giữa bình và bếp phải phải đảm bảo độ kín; sau khi lắp xong tốt nhất là nên kiểm tra độ kín bằng nước xà phòng, ống dẫn không nên để dài quá 2m, nên chọn các loại ống mà bên trong có lớp lõi thép bảo vệ.
Hạn chế việc dùng nồi có đáy quá lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống bình gas rất nguy hiểm.
Không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét và cặn thức ăn lưu lại trong quá trình đun nấu dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van, miệng phụt lửa…
Không nên dùng bình gas san, chiết lại (bếp mini) vì hiện nay các loại bình chứa khí nén ít được kiểm soát một cách đầy đủ, các cơ sở sản xuất lậu mua bình chứa khí trôi nổi kém chất lượng rồi bán cho người tiêu dùng.
Nên đặt bình thấp hơn bếp, không đặt bình úp hoặc nằm ngang. Sau 3 – 5 năm sử dụng nên thay ống, dây dẫn gas.
Không nên để gas trong tầng hầm, chỗ khuất, kín gió. Cảnh giác với các trò tiếp thị thiết bị gas trôi nổi, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bếp gas, bình gas, van gas, ống dẫn gas… Khi đun nấu xong phải nhớ khóa van bình gas lại.
Hoài Thu (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị