Cây xanh đường phố, từ hạ tầng kỹ thuật đến chiến lược hành lang sinh thái
Cây xanh đường phố, từ hạ tầng kỹ thuật đến chiến lược hành lang sinh thái
Sự hiện diện của cây xanh đô thị trong ký ức và nhận thức của mỗi người có lẽ nhiều nhất ở những hàng cây trên đường phố. Với các đô thị ở xứ nhiệt đới
Sự hiện diện của cây xanh đô thị trong ký ức và nhận thức của mỗi người có lẽ nhiều nhất ở những hàng cây trên đường phố. Với các đô thị ở xứ nhiệt đới Việt Nam chúng ta, thiết kế cây xanh trên đường phố gần như là điều hiển nhiên trong tư duy quản lý, phát triển đô thị qua nhiều thời kỳ do đặc điểm về môi trường khí hậu tương quan với tiện nghi nhiệt của con người. Bản thân người viết từng đi qua nhiều đô thị trên thế giới, kể cả những đô thị nổi tiếng về xanh, sinh thái cũng chưa chắc có hệ thống cây xanh đường phố xanh, đẹp, đặc trưng như ở các đô thị Việt Nam. Ví dụ như trường hợp TP. HCM, kể cả các chuyên gia người nước ngoài trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, thiết kế cảnh quan, thiết kế đô thị, khi đến đây hầu hết đều rất ấn tượng với những hàng cây đường phố đặc trưng này. Thậm chí vì chúng mà họ cũng đánh giá rất cao về tính sinh thái của TP. HCM, cho rằng đây là một TP xanh đúng nghĩa.
Theo Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng – Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị thì cây xanh đô thị bao gồm:
- Cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường);
- Cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân;
- Cây xanh chuyên dụng là các loại cây trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ hoặc phục vụ nghiên cứu.
Cây xanh đường phố: Từ câu chuyện hạ tầng kỹ thuật …
Hiện nay, cây xanh đường phố được xếp vào nhóm sử dụng công cộng trong đô thị nhưng chỉ tiêu đất cây xanh sử dụng công cộng lại chỉ tính theo chỉ số đất dùng để xây dựng công viên, vườn hoa công cộng. Quy định như vậy vừa bỏ qua giá trị liên kết sinh thái quan trọng của cây xanh đường phố, vừa thiếu động lực để phát triển loại hình cây xanh trong đô thị.
Nhiều phương tiện truyền thông đã đề cập rằng đất cây xanh trong khu trung tâm TP.HCM đang rất thiếu, song cảm nhận thực tế thì khu vực này lại “xanh” hơn rất nhiều so với những khu vực đô thị mới phát triển. Một ví dụ minh họa khá điển hình là trường hợp của quận 3 trong khu trung tâm TP. Theo ranh giới hành chính thì quận 3 không có công viên như quận 1 cạnh đó, vậy mà khảo sát từ ấn tượng của du khách thì quận 3 lại là một trong những quận “xanh” bậc nhất TP. Vì sao lại có nghịch lý này? – Đó chính là giá trị cảnh quan, sinh thái từ hệ thống cây xanh đường phố mà trải qua quá trình lịch sử, quận 3 đã tích lũy được một nguồn vốn cây xanh rất lớn, đa dạng, tạo ra một bầu không khí trong lành, xanh mát cho không gian đô thị. Người ta hay lưu truyền câu nói rằng “ăn quận Năm, nằm quận Ba, la cà quận Một” để ca ngợi những giá trị đô thị đặc trưng của ba khu vực tiêu biểu trong trung tâm lịch sử TPHCM. Theo người viết, có lẽ giá trị để quận 3 trở thành nơi ở lý tưởng không chỉ là ở đây nhiều nhà biệt thự là mơ ước về biểu tượng cho sự thịnh vượng, giàu có, mà chính là ở chỗ nơi đây không khí trong lành, con người sống chan hòa với cây xanh, tạo ra “phong thủy” tốt cho người lưu trú. Bản thân giá trị “phong thủy” của mạng lưới cây xanh đường phố ấy cần được lưu ý, bảo tồn và phát huy nó bằng các giải pháp thiết kế cảnh quan đô thị phù hợp, duy trì vị thế nơi chốn lý tưởng trong lòng TP.
Xét từ khía cạnh ưu thế này của loại hình cây xanh đường phố, nên chăng cần đề xuất xây dựng tiêu chuẩn số lượng cây xanh thân gỗ trên đầu người, bao gồm cả cây xanh đường phố, cụ thể hơn về số lượng cây đại mộc, trung mộc và tiểu mộc. Việc này có thể làm nền tảng rõ ràng hơn cho việc phát huy trách nhiệm của người dân, từ phong trào trồng đến chăm sóc cây xanh nói chung, cũng như cho cây xanh đường phố nói riêng. Thậm chí, còn có thể cho phép các công dân xung phong đăng ký theo dõi, chăm sóc một hoặc một vài địa chỉ cây xanh cụ thể, để làm nguồn lực hỗ trợ cho chính quyền trong việc quản lý, phát triển mảng xanh sinh thái, từ khi bắt đầu trồng, đến chăm sóc bảo dưỡng hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, đến khi cần phải “chữa bệnh” hoặc phải đốn hạ để trồng thay cây khác. Như vậy, chúng ta cũng có thể phát huy nguồn lực để phát triển mảng xanh đô thị, đặc biệt là cây xanh đường phố trên bình diện chung.
Thứ hai, việc trồng cây xanh dọc đường phố là cơ hội cho loại hình cảnh quan dạng trục tuyến, vốn phân bổ xuyên suốt các khu vực chứ không chỉ riêng loại hình tập trung ở một khu vực như công viên, vườn hoa. Và tuyến trục cây xanh cảnh quan này sẽ đóng vai trò là tuyến liên kết sinh thái liên tục, tạo thành những đường mái vòm xanh cho con người và phát triển hệ sinh thái đô thị.
Thứ ba là mối liên hệ giữa cây xanh đường phố với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP. Thành tựu ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc của TP nhiều năm qua rất đáng ghi nhận, song cũng cần tìm ra giải pháp để ứng xử với các rễ cây cao lâu năm của TP. Có thể nói, cây có không gian sở hữu riêng trên cao và cả dưới lòng đất mà trong thuật ngữ về cây xanh khoảng là khoảng “drip-line”, đường chiếu của tán cây xuống bề mặt vỉa hè mà đúng ra là không được xâm phạm.
Xét riêng ở TP. HCM thì cây xanh đường phố có trước khi có lát vỉa hè cứng, có trước hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, có trước cả tường rào của một số khu vực kiến trúc. Vậy thì, toàn bộ không gian vỉa hè trước đây vốn toàn bộ là của cây xanh, nay thì bị lùi lại, cắt giảm bớt mà không hề có khoản “đền bù giải tỏa” nào. Rễ cây vốn đang tỏa tròn, bám chặt vào lòng đất, đất tơi xốp dễ thấm nước (do chưa có bị bê tông hóa vỉa hè, chưa có nhiều phương tiện giao thông đi lại nén chặt đất), lại được nước mưa cung ứng thoải mái, cành tán cũng không bị vướng với những công trình cao tầng xung quanh. Các cây trồng sau giai đoạn bùng nổ phát triển đô thị hóa sẽ rất khó có điều kiện phát triển tốt, mạnh như trước đây. Đất bị nén chặt, nước mặt bị phân tán vào hệ thống cống cứng, mực nước ngầm sụt giảm, tính liên kết hệ thống từng như rừng nay cũng không còn.
Hiện nay, tiêu chuẩn của Việt Nam chúng ta vẫn cho trồng cây bên trên hệ thống đường ống hạ tầng kỹ thuật với điều kiện đảm bảo khoảng cách: “Cây xanh được trồng cách mạng lưới đường dây, đường ống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cáp ngầm) từ 1m – 2m”. Khoảng cách là phù hợp, song vẫn cần có tiêu chuẩn và hướng dẫn cụ thể hơn để tạo điều kiện tốt cho cây phát triển như một hệ thống sinh thái bền vững.
Ngoài các cây xanh vỉa hè vốn có được cải tạo lại trong quá trình phát triển, các khu vực đô thị mới cũng dành cho cây xanh một khoảng không phát triển rất hạn hẹp. Vỉa hè loại lớn cỡ 6-8m như ở các trục đường chính trước đây như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, 3 tháng 2… giờ đây rất hiếm.
Vì lý do tấc đất, tấc vàng, các vỉa hè mới sau này chỉ được thiết kế với bề rộng 3-4m. Vậy thì có bao nhiêu khoảng không dành cho cây xanh? – Câu trả lời là: Rất ít. Hình minh họa ở khu đô thị Vinhomes Golden River (Ba Son), vỉa hè chỉ dành cho vệt cây xanh rất hẹp, mà lại trồng những cây bứng sẵn, đường kính gốc lên tới 30 – 40cm. Điều này rất hạn chế sự phát triển của cây trong tương lai. Thậm chí có dự án mới vẫn chấp nhận việc có những cây xanh phải trồng phía trên đường ống thoát nước đô thị (dù có cách khoảng đệm đất cát) để dành diện tích cho việc xây công trình đem lại lợi nhuận kinh doanh.
Việc quy hoạch không gian ngầm hiện chỉ tập trung chủ yếu vào các công trình kiến trúc ngầm, còn hệ thống hạ tầng ngầm chưa được hệ thống hóa và hợp nhất theo hướng có tính toán đến sự phát triển sinh thái của cây xanh đường phố. Cụ thể, đối với tương quan giữa cây xanh đường phố với hệ thống hạ tầng ngầm như sau:
- Hệ thống đường ống hạ tầng kỹ thuật ngầm nên được thiết kế tích hợp bên dưới lòng đường giao thông cơ giới thay vì bên dưới vỉa hè đối với những tuyến đường phù hợp.
- Bố trí hệ thống ống hạ tầng kỹ thuật ngầm trong phần diện tích song song với vệt xanh sinh thái của cây xanh đường phố.
Đến những giải pháp chiến lược xây dựng hành lang sinh thái
Xuất phát từ thực trạng cây xanh đường phố ở các đô thị Việt Nam, người viết đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Ở tầm chính sách chung
- Đề nghị quy chuẩn hoạch định vệt cây xanh sinh thái tối thiểu là 1,5m bề rộng trên mặt cắt ngang vỉa hè. Trường hợp cây trồng bồn riêng lẻ cũng cần phải đảm bảo kích thước tối thiểu là 1,5m x 1,5m và nên duy trì giải pháp ốp lát “mềm” (dùng các loại gạch tự chèn) trong phần vệt nối các ô trồng cây;
- Quy chuẩn hóa việc giằng chống cây xanh đường phố, bao gồm từ khi mới trồng đến khi trưởng thành, hoặc đến mức độ có nguy cơ, cần phải có biện pháp duy trì. Đồng thời, kết hợp với các giải pháp tạo thông khí, bơm tưới rễ, khuyến khích dùng mảng xanh hấp thụ nước mặt để tạo nguồn nước ngầm tốt hơn cung cấp cho cây;
- Cần có loại hình thiết kế cảnh quan trục đường phố, đặc biệt với các tuyến trục quan trọng nhằm đảm bảo tính chi tiết, hài hòa và khả thi trong giải pháp cụ thể cho riêng từng khu vực. Thực tế là các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến vỉa hè, đường xá hiện nay lại chủ yếu dựa trên thiết kế điển hình, vốn chưa đủ tính bao quát và cũng chưa tính nhiều đến đặc tính sinh thái quan trọng của loại hình cây xanh đường phố.
2. Ở quy mô tổng thể thành phố
Đề xuất nghiên cứu định hướng phân loại tính chất kiến trúc cảnh quan tổng thể các loại đường phố trong khu trung tâm hiện hữu và các khu vực phát triển đô thị, từ đó lựa chọn chủng loại cây xanh phù hợp tương ứng. Kinh nghiệm ở Singapore (chia thành 4 loại hình thái cây trồng dọc đường phố, bao gồm đường đô thị, đường nông thôn, đường ven biển, đường ven rừng), Philadelphia (phân loại theo tính chất công năng của đường phố và phân cấp đường trong đô thị) hay nhiều đô thị khác… nên được đúc kết để vận dụng vào bối cảnh của TP. HCM.
3. Ở mức độ chi tiết thiết kế cảnh quan cây xanh đường phố
- Cần phát động các đơn vị nghiên cứu kiến trúc chủ trì biên soạn và thiết kế bộ tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn thiết kế vỉa hè, đảm bảo hài hòa giữa kiến trúc cảnh quan cây xanh và hạ tầng kỹ thuật đô thị, theo quy mô kích thước mặt cắt đường, các giao lộ, cũng như các đặc điểm tính chất văn hóa, xã hội, kinh tế của các khu vực đô thị cụ thể;
- Cập nhật điển hình hóa thiết kế trồng cây xanh, đảm bảo phù hợp với đặc tính liên kết sinh thái của cây xanh đường phố;
- Ngoài các giải pháp trồng cây xanh kiểu truyền thống, việc học tập kinh nghiệm phát triển mảng xanh sinh thái chống ngập hoặc khi có mưa bão lớn cũng có thể là cơ hội bổ sung mảng xanh dạng “vườn mưa” (chỉ khi có mưa mới ngập nước còn bình thường là vườn cây) dọc theo các tuyến đường giao thông.
Thay lời kết
Hy vọng bài viết này sẽ góp một góc nhìn từ KTS cảnh quan để cùng nhau làm rõ về vai trò chiến lược của cây xanh đường phố. Chúng ta sẽ cùng nhau nhìn về một hướng, một tương lai xanh tươi và bền vững cho các đô thị, bắt đầu từ việc thiết kế và trồng cây xanh trên đường phố.
TS.KTS. Vũ Việt Anh(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2021)
TÀI LIỆU THAM KHẢO1. Astrid Zimmermann (2011), Constructing Landscape: Materials, Techniques, Structural Components 2nd Edition, Birkhauser;2. Bộ Xây dựng (2005), Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, Hà Nội;3. Bộ Xây dựng (2009), Thông tư số 20/2009/TT-BXD về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, Hà Nội;4. Philadelphia Mayor Office of Transportation and Utilities (2017), Philadelphia Complete Streets Design Handbook, Philadelphia;5. Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng (2009), TCVN8270:2009 – Quy hoạch cây xanh sử dụng hạn chế và chuyên dụng trong đô thị – Tiêu chuẩn thiết kế, Hà Nội;6. Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng (2009), TCVN9257:2012 – – Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị – Tiêu chuẩn thiết kế, Hà Nội;7. Daniel G. Parolek, Karen Parolek, Paul C. Crawford (2008), Form-Based Codes – A Guide for Planners, Urban Designers, Municipalities, and Developers, John Wiley & Sons, Inc;8. Daniel A. Bell, Avner De-Shalit (2011), The Spirit of Cities: Why the Identity of a City Matters in a Global Age, Princeton University Press;9. Donald Watson, Alan Plattus, Rober G.Shibley (2001), Time-saver standards for Urban Design, by McGraw-Hill, New York – Chicago – San Francisco – Lisbon – London – Madrid – Mexico City – Milan – New Delhi – San Yuan – Seoul – Singapore – Sydney – Toronto;10. Erie Downtown Streetscape Master Plan, Pennsylvania, https://bikeerie.org/wp-content/uploads/2015/08/Erie-Streetscape-Master-Plan.pdf;11. G. Z. Brown and Mark Dekay (2000), Sun, Wind & Light – Architecture Design Strategies, John Wiley & Sons, INC;12. Global Designing Cities Initiative (2019), Global Street Design Guide, Island Press, https://globaldesigningcities.org/publication/global-street-design-guide/, 09/02/2019;13. National Association of City Transportation Officials (NACTO), Urban Street Design Guide, https://nacto.org/publication/urban-street-design-guide/, 09/02/2019;14. Heng Chye Kiang, Low Boon Liang and Hee Limin (2009), On Asia Streets And Public Space – Selected Essays From Great Asia Streets Symposiums [GASS] 1&2, By Centre for Advance Studies in Architecture (CASA), Department of Architecture, National University of Singapore;15. Leonard J. Hopper (2007), Landscape Architectural Graphic Standards, John Wiley and Sons, Inc, Canada;16. Peter Bosselmann (2008), Urban Transformation – Understanding City Design and Form, Island Press;17. Peter Wohlleben (2019), Đời sống bí ẩn của cây, NXB Phương Nam, TP. HCM;18. Trần Hữu Quang (2012), Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu, NXB Tổng hợp TP.HCM, TP.HCM
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị