Bố mẹ ly hôn: Đừng để chuyện người lớn làm tổn thương con trẻ

– Phóng viên: Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn ly hôn để giải thoát cho nhau. Đối với những gia đình có con, việc ly hôn như vậy sẽ tác động như thế nào tới trẻ, thưa chuyên gia?

– Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà: Trên thực tế, phản ứng đối với việc bố mẹ ly hôn ở mỗi đứa trẻ sẽ có sự khác nhau do còn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, hoàn cảnh gia đình trước khi ly hôn, cách thức đứa trẻ biết về vấn đề ly hôn của bố mẹ…

Sẽ có trường hợp trẻ phản ứng mạnh mẽ với sự kiện ly hôn của người lớn như tỏ ra hoảng sợ, bất an, thậm chí tức giận. Do trước đó, các em đã quen với môi trường có cả bố cả mẹ cũng như quen nhận được quan tâm, chăm sóc đầy đủ từ hai phía. Nên khi bố mẹ ly hôn, ngay lập tức các em sẽ cảm nhận được sự thiếu hụt trong gia đình và cảm giác sợ hãi mọi thứ sẽ bị xáo trộn, phá vỡ. Cũng có trường hợp bố mẹ luôn cãi vã thì việc chấm dứt mối quan hệ của hai người lại khiến trẻ cảm thấy nhẹ nhõm. Tuy nhiên, một số em trong trường hợp tương tự lại phát sinh phản ứng mâu thuẫn, là các con vừa cảm thấy sắp được giải thoát khỏi việc gia đình đang không hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng thấy hụt hẫng vì mất đi một điều kiện cơ bản để phát triển – đó là một gia đình đầy đủ.

Ngoài ra, trẻ sống trong gia đình đổ vỡ còn có khả năng gặp phải khó khăn trong học tập, khó khăn thích ứng với hoàn cảnh sống mới (đối với trường hợp trẻ phải chuyển tới môi trường khác sau khi bố mẹ ly hôn), khó khăn trong các mối quan hệ xã hội (đặc biệt là quan hệ bạn bè)… Có những trẻ sau khi bố mẹ ly hôn thì cảm thấy vị thế của mình so với các bạn không còn như trước hay việc các em không đủ bố hoặc mẹ trở thành lý do bị bạn trêu chọc. Từ đó, ở các em có thể sinh ra hai dạng tâm lý tiêu cực, một là sự mặc cảm, tự ti, tự cô lập, hai là cảm giác tức giận, bất cần, chống đối lại mọi người.

Bố mẹ ly hôn: Đừng để chuyện người lớn làm tổn thương con trẻ ảnh 1
Việc người lớn “đường ai nấy đi” có thể ảnh hưởng rất lớn tới trẻ (Tranh minh họa)

– Có thể thấy, việc bố mẹ ly hôn đã tạo ra trải nghiệm không mấy dễ chịu cho nhiều đứa trẻ. Vậy theo chuyên gia, người lớn cần làm gì để xoa dịu tổn thương của con khi bố mẹ ly hôn?

– Trước tiên, bố mẹ nên tạm gác lại vấn đề của riêng hai người để cùng thống nhất thời điểm cũng như cách nói chuyện với con về việc ly hôn. Chú ý, phụ huynh nên dựa vào độ tuổi, nhận thức và tính cách của trẻ để có phương thức trao đổi phù hợp.

Trong cuộc trò chuyện, bố mẹ hãy luôn lắng nghe những tâm tư và cố gắng trả lời cho câu hỏi của con một cách chân thành nhất. Nội dung cuộc trò chuyện thì phụ huynh nên giải thích rõ để trẻ không có suy nghĩ việc chia tay của bố mẹ là do con, cũng như nên trấn an rằng dù không thể sống với nhau nhưng bố mẹ vẫn sẽ tiếp tục yêu thương, chăm sóc con…

Theo đó sau ly hôn, bố và mẹ nên bắt tay cộng tác để tạo điều kiện cho người còn lại có cơ hội gần gũi, yêu thương và chăm sóc con. Điều này phần nào sẽ tạo cho trẻ một môi trường phát triển an toàn, không bị thiếu hụt về tình cảm hay là sự sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nói chung, phụ huynh cần giúp trẻ hiểu chúng vẫn còn một gia đình dù bố mẹ không còn sống dưới một mái nhà.

– Sau khi ly hôn, nhiều người bố hoặc mẹ sẽ lựa chọn một mình chăm con. Khi đó, bố/mẹ đơn thân cần nuôi dạy con như thế nào để trẻ phát triển ổn định về mọi mặt?

– Trong trường hợp nuôi con một mình, bố hoặc mẹ đơn thân cần phải chuẩn bị đầy đủ hành trang như sức khỏe, kế hoạch tài chính, kiến thức tâm sinh lý, kỹ năng xã hội, cách thức giáo dục…. để việc nuôi dạy con đỡ vất vả hơn.

Tuy nhiên, bố/mẹ đơn thân nên có sự hợp tác với người cũ để có một lộ trình chăm sóc con hiệu quả. Vì dù sao, trẻ cũng cần một môi trường có sự góp mặt giáo dục của cả bố và mẹ để phát triển hành vi, nhận thức và cảm xúc một cách chuẩn mực.

Trong trường hợp bố/mẹ đơn thân không có người cũ đồng hành thì nên tìm tới sự giúp đỡ của những người liên quan khác như người thân trong gia đình, bạn bè, giáo viên của trẻ hay là những chuyên gia uy tín… Họ sẽ phần nào hỗ trợ bố/mẹ đơn thân trong việc chăm sóc và giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng khác.

– Không ít trường hợp, bố mẹ đi thêm bước nữa sau khi ly hôn. Theo chuyên gia, người lớn cần làm gì để trẻ có thể chấp nhận sự xuất hiện của một người bố/người mẹ mới cũng như chung sống với họ sau này?

– Việc bố mẹ sau khi ly hôn đi thêm bước nữa là điều không thể tránh khỏi, vì đó là nhu cầu tình cảm cơ bản. Tuy nhiên, trẻ sẽ không thể ngay lập tức chấp nhận người mới đó trong cuộc sống của mình được.

Vì vậy, bố/mẹ trong quá trình tìm hiểu nên lựa chọn người biết tôn trọng mình và con riêng của mình. Lưu ý là nên đợi cho tới khi thiết lập mối quan hệ bền vững với người đó thì mới giới thiệu với trẻ. Tiếp tới là tạo một môi trường an toàn cho cả ba người. Trong quá trình này, bố/mẹ luôn phải chủ động quan sát phản ứng giữa người mới và trẻ. Rằng khi có thời gian chung với nhau, liệu người mới có phát sinh câu nói hoặc hành động nào làm tổn thương trẻ hay không? Đồng thời, chúng ta cũng cần lắng nghe những đứa trẻ để xem liệu con có gặp vấn đề gì và điều đó có liên quan tới người mới hay không?

Chỉ khi mọi thứ đều ổn, người mới đó là tốt, tử tế và đảm bảo được mức độ an toàn với đứa trẻ thì bố/mẹ có thể tiếp tục mối quan hệ. Trẻ về sau cũng có thể dễ dàng mở lòng chấp nhận và chung sống với một người bố/người mẹ mới.

– Theo chuyên gia, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ trong các gia đình ly hôn ngoài vai trò của bố mẹ thì cần sự góp sức của những cá nhân hoặc tổ chức nào khác?

– Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ trong các gia đình ly hôn ngoài vai trò của bố mẹ thì những người thân khác trong gia đình như ông bà nội, ngoại… cũng có thể hỗ trợ phần nào – đây là những người quan sát gần gũi có thể xem cuộc sống của đứa trẻ nảy sinh vấn đề không? Hay là hàng xóm – những người sống ở bên cạnh sẽ nhìn nhận liệu đứa trẻ có được đối xử một cách công bằng hay không? Hoặc tổ dân phố nơi đứa trẻ sinh sống – họ có thể quan sát gia đình đó có thực sự hòa thuận hay không?

Thường bây giờ, các mối quan hệ trong gia đình người ta ít để ý bởi vì cuộc sống hiện đại là nhà này khi đóng cửa lại thì sẽ không quan tâm tới nhà kia. Tuy nhiên, nếu mãi “vô tâm” như thế thì chúng ta có thể bỏ lọt những vụ trẻ em bị đối xử bất công trong chính gia đình. Đó là sẽ sự thiệt thòi và ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trẻ sau này.

Theo đó, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng là tổ chức có thể lắng nghe, giải quyết tất cả những vấn đề liên quan tới việc trẻ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi… mà chúng ta có thể ghi nhớ nếu phát hiện trường hợp trẻ không được đối xử công bằng.

– Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà!

Theo Như Quỳnh/anninhthudo.vn

https://anninhthudo.vn/bo-me-ly-hon-dung-de-chuyen-nguoi-lon-lam-ton-thuong-con-tre-post491565.antd

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích