Siết chặt hệ thống đánh giá hợp quy, đánh giá chất lượng vật liệu xây dựng

Theo thông tin từ Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong ngành xây dựng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trong năm 2021, Vụ đã tham gia ban soạn thảo Nghị định 06/NĐ-CP ngày 21/01/2021 về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Sửa đổi Nghị định 62/2016 về Điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định về Phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.

Triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ đột xuất để ban hành tài liệu kỹ thuật “Hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm” rất kịp thời để Chính phủ và các địa phương có công cụ hiệu quả ngăn chặn và chữa trị cho bệnh nhân mắc dịch Covid-19.

Triển khai “Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 09/2/2018, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ/ngành/địa phương có liên quan triển khai nghiên cứu trên cơ sở phân tích các kết quả khảo sát và tổng điều tra tình hình thực hiện xây dựng, áp dụng, quản lý hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng trong và ngoài nước.

Đặc biệt, tiến hành kiểm tra 43 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã giao năm 2020 và 36 nhiệm vụ giao năm 2021, qua công tác kiểm tra Vụ đã tạm dừng 12 nhiệm vụ không cấp tiếp kinh phí do không đảm bảo yêu cầu về nội dung, tiến độ, cắt giảm kinh phí 05 nhiệm vụ, 02 nhiệm vụ dừng hợp đồng. Năm 2021, thực hiện các quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đã họp và nghiệm thu 94 nhiệm vụ khoa học công nghệ, các đề tài đã giao năm 2019 và 2020, hầu hết các nhiệm vụ đều đạt loại khá trở lên.

Ảnh minh hoạ

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, năm 2022, trong công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ, ngành xây dựng sẽ ưu tiên các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ cho xây dựng thể chế như sửa đổi và ban hành mới các luật, Nghị định và Thông thư hướng dẫn các luật: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Thị trường bất động sản, Luật Cấp thoát nước, các vấn đề về quản lý và quy hoạch không gian ngầm…

Tiếp tục triển khai Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Xây dựng theo đúng nội dung là tiến độ theo Quyết định 1004/QĐ-BXD ngày 31/07/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Trình Bộ trưởng dự thảo để ban hành Chiến lược Khoa học công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Đối với công tác quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn, sẽ ưu tiên hoàn thiện bộ quy chuẩn lĩnh vực xây dựng ban hành theo Quyết định 666/QĐ-BXD ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (QCVN 02 về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, QCVN 03 về Phân cấp công trình, QCVN 04 về Công trình dân dụng, QCVN 05 về Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, 07 về Công trình hạ tầng kỹ thuật, QCVN 10 về Công trình xây dựng đảm bảo tiếp cập người sử dụng).

Ba là, công tác quản lý đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, tháo gỡ các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra trong quá trình đánh giá kiểm tra hiện trạng các phòng thí nghiệm bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0. Tổng kết công tác đánh giá liên phòng thí nghiệm (400 phòng trên toàn quốc), phối hợp chặt chẽ với sở xây dựng các địa phương trong việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đo lường lĩnh vực xây dựng.

Tiếp tục thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, quản lý chặt chẽ hệ thống đánh giá hợp quy, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra 25 tổ chức đánh giá sự phù hợp. Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý chất lượng hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước nhằm đáp ứng quy định của Quy chuẩn QCVN 16:2019/BXD (QCVN05:2022 – mới).

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích