Những ca khúc báo tin vui chiến thắng

Những bản hùng ca…

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và giải phóng miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975). Quân và dân ta triển khai chiến dịch Huế – Đà Nẵng, đến ngày 26/3 thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Và ngay tại cố đô Huế, trong niềm vui chiến thắng vang lên những ca khúc mới sáng tác như: “Gửi Huế giải phóng” (Nguyễn Văn Thương), “Huế của ta ơi” (Thanh Phúc), “Mùa xuân trên thành phố Huế” (Nguyễn Viêm), “Các anh về giữa Huế thân yêu” (Vũ Thanh), “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” (Văn An)…, với những âm điệu mang đậm sắc dân ca, dân nhạc của vùng Trị Thiên – Huế, dịu ngọt, da diết, nhưng thúc giục lòng người với niềm tin chiến thắng.

Những ca khúc báo tin vui chiến thắng
Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Ngày 28/3/1975, 5 cánh quân của ta đồng loạt tiến công vào Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng tiến công và nổi dậy từ trong lòng địch và đến 15 giờ ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng, một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mỹ đã bị tiêu diệt, thành phố được hoàn toàn giải phóng.

Cùng với chiến thắng vang dội ấy, hàng loạt ca khúc đã ra đời, giàu sức cổ vũ, động viên: “Chào Đà Nẵng giải phóng” (Phạm Tuyên), “Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về” (Phan Huỳnh Điểu), “Hát về Đà Nẵng kiên cường” (Cao Việt Bách), “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” (Nguyễn Đức Toàn), “Chào Đà Nẵng, dũng sĩ bên bờ biển Đông” (Nguyễn An), “Sông Hàn vang tiếng hát” (Huy Du)… Các ca khúc được sáng tác vào thời điểm sôi động này có sức mạnh thông tấn lớn, là tiếng kèn xung trận có tiếng vang mạnh mẽ trong trái tim từng người dân, từng chiến sĩ.

Liên tiếp các tỉnh Bình Định với thành phố Quy Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hòa, Khánh Hòa với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh được giải phóng theo bước chân thần tốc tiến quân. Và các địa danh này cũng kịp thời có ngay những ca khúc chiến thắng: “Bình Định quê ta” (Trần Hữu Pháp), “Mùa xuân Quy Nhơn, Mùa xuân Bình Định” (Dân Huyền), “Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay” (Ánh Dương), “Chào Nha Trang giải phóng” (Hoàng Hà), “Nha Trang mùa xuân nay biển hát” (Thịnh Trường), “Những thành phố bên bờ biển cả” (Phạm Đình Sáu)…

Đầu tháng 4/1975, tin chiến thắng dồn dập, nhân dân cả nước sống những ngày hào hùng, sôi động chưa từng có. Như có cả dân tộc ra quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tinh thần “Đi nhanh đến, đánh nhanh thắng”, với khí thế “Thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”. Và ngày 30/4/1975, thời khắc lịch sử đã điểm, 11 giờ 30, khi lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện thì cũng là lúc quân cách mạng đã làm chủ thành phố.

Cả nước trong niềm vui chiến thắng “ngày đi như trong đêm mơ”, không chỉ niềm vui quá lớn mà còn là những cảm xúc không đè nén được để “vui sao nước mắt lại trào” khi nhớ về sự hy sinh của những đồng đội ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, ngay trước giờ chiến thắng, trước khoảnh khắc chạm đến hòa bình, thống nhất đất nước. Niềm vui lớn lao và vĩ đại ấy đã thành khúc nhạc lời ca vang khắp mọi miền Tổ quốc.

Chỉ 2 giờ sau chiến thắng, cả nước như một dàn đồng ca vĩ đại với ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” (Phạm Tuyên), và sau đó lần lượt các ca khúc khác vang lên ngay tại Sài Gòn, thành phố mang tên Bác Hồ: “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (Cao Việt Bách – Đăng Trung), “Ta đã về Sài Gòn ơi” (Văn Dung), “Hát về thành phố tên vàng” (Cát Vận), “Mùa xuân Việt Nam, Mùa xuân toàn thắng” (Lưu Cầu), “Việt Nam ngày đại thắng” (Vũ Thanh), “Giữa Sài Gòn giải phóng” (Hồ Bắc), “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ” (Dân Huyền), “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng)…

…Sống mãi với thời gian

Trưa ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng”, cùng với Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm nên một “chiến thắng” ngoạn mục chưa từng có, chỉ trong vòng 2 giờ khi ca khúc được sáng tác và tập, hoàn thành, rồi phát sóng, cả nước đã trở thành dàn đồng ca hòa giọng hát vang ca khúc này, từ những căn nhà cho đến dòng người trên phố Hà Nội, từ thành thị đến nông thôn khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam…

Những ca khúc báo tin vui chiến thắng
Bản nhạc “Như có Bác trong ngày đại thắng”. (Ảnh tư liệu)

Thời điểm sáng tác “Như có Bác trong ngày đại thắng”, nhạc sĩ Phạm Tuyên phụ trách Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hôm bất ngờ nghe đài đưa tin Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, ông với các anh em đứng ngây người một lúc nghĩ “đến Tân Sơn Nhất tức là đến Sài Gòn; mà đã đến Sài Gòn thì chỉ vài ba hôm nữa thôi là giải phóng”. Ông Trần Lâm – Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam giao nhiệm vụ: “Chiến thắng lần này của chúng ta là vĩ đại lắm, cho nên anh em viết một bài gì đó phải thật hoành tráng”.

Ngay đêm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Sáng hôm sau, ông mang tới đài bản nhạc này. Lúc duyệt, mọi người nhận xét bài quá đơn giản và còn chưa chiến thắng nên anh em động viên nhau bài này sẽ chuẩn bị ngày 7/5 kỷ niệm giải phóng Điện Biên Phủ thì phát sóng. Vài giờ sau được tin báo: “11 giờ trưa quân ta đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập”. Ông Trần Lâm gọi nhạc sĩ Phạm Tuyên lên trao đổi, bởi Ban Tuyên huấn Trung ương cho phép Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin vui đại thắng vào lúc 17 giờ ngày 30/4. Ông Lâm hỏi về việc chuẩn bị ca khúc hoành tráng để đón ngày chiến thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể ra một số bài mình biết. Ông Lâm hỏi: “Thế ông không viết à?”. Phạm Tuyên nói ông chỉ viết được một bài ngắn và hát cho ông Lâm nghe. Nghe xong, ông Lâm nói chỉ cần bài ngắn như thế này thôi, chiều nay triệu tập đoàn ca nhạc lên để tập.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng kể rằng, ông chưa bao giờ dự một buổi thu thanh cảm động như vậy. Từ nhạc sĩ Cao Việt Bách, chỉ huy dàn hợp xướng, đến những nghệ sĩ chơi nhạc cụ và người hát đều rơi nước mắt vì sung sướng khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng. 4 giờ chiều thu xong, đúng 5 giờ chiều, sau khi phát tin đại thắng, ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” được phát liên tiếp cho đến tận 12 giờ đêm.

“Như có Bác trong ngày đại thắng” có sức sống mãnh liệt, được nhiều thế hệ người Việt hát bằng cả trái tim mình. Điều nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động nhất là cho đến nay, ca khúc vẫn được khán giả hát ở bất kỳ nơi đâu, ngày lễ, Tết, hoặc hội nghị, liên hoan; từ đất liền đến biên giới, hải đảo, miền núi đến miền xuôi, bộ đội hay nông dân, ai cũng thuộc. Hơn thế nữa, ca khúc đã vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước trên khắp các châu lục. Có nhiều vị khách quốc tế, dù không biết đến một câu tiếng Việt vẫn có thể nhẩm theo giai điệu bài hát trong những dịp tham gia khánh lễ. Và 46 năm qua, những điệp khúc “Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh” vẫn vang lên bừng bừng khí thế, rộn ràng niềm vui trong những cuộc giao lưu quốc tế.

Cũng ngay trong đêm 30/4/1975, ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” ra đời tại nhà riêng của nhạc sĩ Hoàng Hà ở Hà Nội khi ông chưa từng biết đến thành phố Sài Gòn. Ca khúc được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngay sáng 1/5/1975 và được thể hiện lần đầu tiên qua giọng ca của Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên: …“Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”.

46 mùa xuân đã qua, mỗi khi nghe những giai điệu của các ca khúc mừng chiến thắng, thêm một lần như sống lại thời khắc lịch sử của dân tộc, thêm một lần tự hào với những “di sản” của các thế hệ cha ông đã để lại cho hôm nay, để thêm yêu hơn Tổ quốc, có tinh thần trách nhiệm cao hơn gìn giữ, bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn./.

H.Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích