Những xu hướng công nghệ nổi bật năm 2022

Những xu hướng công nghệ nổi bật năm 2022
Metaverse được dự báo là tương lai của Internet. (Ảnh ANA)

Bước vào năm 2022, những công nghệ đã hỗ trợ chúng ta vượt qua đại dịch sẽ tiếp tục định hình lại cách chúng ta làm việc, sống và tương tác. Dưới đây là một số điểm đáng quan tâm của lĩnh vực công nghệ trong năm 2022.

1. Công nghệ tự động hóa đã đi vào cuộc sống hằng ngày của mọi người theo những cách khác nhau và hầu hết chúng ta thậm chí không nhận ra điều đó. Các phương tiện tự lái, hệ thống xử lý dữ liệu của các thiết bị thông minh và các thông báo trong nhà thông minh là một số thí dụ cơ bản về công nghệ tự động hóa.

Khoảng một nửa tổng số công việc hiện có có thể được tự động hóa trong vài thập niên tới, khi quá trình tự động hóa cấp độ cao, kết hợp công nghệ thực tế ảo, trở nên phổ biến hơn. Công ty tư vấn McKinsey dự đoán, đến năm 2025, hơn 50 tỷ thiết bị sẽ được kết nối với Internet vạn vật công nghiệp (IIoT). Robot, các thiết bị tự động hóa, in 3D… sẽ tạo ra khoảng 79,4 zettabyte (79,4 tỷ terabyte) dữ liệu mỗi năm.

Các quy trình tự động nhất quán có thể giúp giảm thiểu sai sót và cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời có thể giải phóng nhân lực công nghệ có tay nghề cao để tập trung vào các nhiệm vụ có giá trị gia tăng cao hơn.

2. Metaverse (vũ trụ ảo) hướng đến một tập hợp các thế giới được kết nối và chia sẻ trực tuyến, trong đó sẽ bao gồm thế giới thực, thực tế ảo (virtual reality) và thực tế tăng cường (augmented reality). Mọi người gặp gỡ bạn bè, làm việc, thăm thú các địa điểm, mua hàng hóa và dịch vụ, hay tham dự các sự kiện. Trong khi nhiều mạng thế giới ảo tồn tại trực tuyến, người dùng hiện chưa thể di chuyển giữa các nền tảng mà vẫn mang theo được danh tính và tài sản của họ.

Metaverse có thể đáp ứng được điều này, biến các thế giới trực tuyến khác nhau thành một thực thể liền mạch và duy nhất. Metaverse được dự báo là bước phát triển tiếp theo của Internet.

Nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn công nghệ đang đặt cược vào Metaverse. Năm 2021, CEO của các công ty công nghệ từ Microsoft đến Google đã thảo luận về mục tiêu của họ trong tiến trình xây dựng Metaverse. Tháng 10/2021, tập đoàn Facebook cũng đã đổi tên thành Meta, để phản ánh trọng tâm chiến lược phát triển Metaverse mới của mình.

3. Giai đoạn đầu tiên của internet (Web 1.0) là sự ra đời của các trang web và blog truyền thống, có sự xuất hiện của các công ty như Yahoo, eBay hay Amazon. Giai đoạn sau đó (Web 2.0), được định hình với các mạng xã hội và kho nội dung do người dùng tạo ra trên các trang như Facebook hay YouTube – tập trung vào tính dễ sử dụng và khả năng tương tác của người dùng.

Trong giai đoạn tiếp theo (Web 3.0), trên nền tảng công nghệ blockchain (chuỗi khối), người dùng, nhà sáng tạo nội dung và các nhà phát triển nền tảng sẽ có cổ phần và đưa ra các quyết định dựa trên phiếu bầu. Trên Web 3.0, các chương trình máy tính được chạy trên mạng lưới liên kết của hàng nghìn hoặc hàng triệu máy tính khác nhau.

Hiện nay, công nghệ blockchain đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại tiền điện tử như bitcoin và gần đây là các tác phẩm kỹ thuật số độc đáo như những hình vẽ hoặc hình ảnh động được gọi là NFT.

Trong bối cảnh các loại tiền kỹ thuật số như bitcoin đã đạt giá trị cao kỷ lục vào năm 2021, nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức đã tham gia thị trường tiền điện tử này, trong khi một số quốc gia đã chấp nhận các hình thức thanh toán bằng tiền kỹ thuật số.

4. Các công nghệ kết nối kỹ thuật số, được hỗ trợ bởi 5G và Internet vạn vật (IoT), có tiềm năng thúc đấy các hoạt động kinh tế. McKinsey tin tưởng việc triển khai các kết nối nhanh hơn trên nền tảng di động, trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, sản xuất hay bán lẻ có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm từ 1.200 tỷ USD đến 2.000 tỷ USD.

Khả năng kết nối và truyền tải tốt hơn sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn trong lĩnh vực từ kinh doanh đến sản xuất (thông qua điều khiển không dây các công cụ điện tử, máy móc và robot).

5. Bất chấp những tiến bộ về công nghệ, các tổ chức vẫn phải vật lộn với các vi phạm an ninh trên không gian mạng. Chi phí cho tội phạm mạng tiếp tục tăng cao, dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 3.000 tỷ USD vào năm 2015 lên 6.000 tỷ USD vào cuối năm 2021 và tiếp tục tăng lên 10.500 tỷ USD vào năm 2025. Theo Deloitte, chi phí trung bình cho một lần bị xâm phạm dữ liệu vào năm 2021 là 4,24 triệu USD, tăng 10% so với năm 2019. McKinsey cho biết vào năm 2019, hơn 8,5 tỷ bản ghi dữ liệu đã bị xâm phạm.

Theo giới chuyên gia, sự gia tăng đột biến về số lượng các vụ tấn công bằng mã độc (ransomware) và số vụ rò rỉ dữ liệu ở mức cao kỷ lục trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trong năm tới.

Theo Đoàn Hiếu/nhandan.vn

https://nhandan.vn/khoahoc-congnghe/nhung-xu-huong-cong-nghe-noi-bat-nam-2022-680555/

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích