Bác sĩ Việt Đức giải thích 6 nghi vấn khi tiêm vắc xin phòng Covid-19
Bác sĩ Việt Đức giải thích 6 nghi vấn khi tiêm vắc xin phòng Covid-19
Tiêm vắc xin vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để phòng Covid-19, tuy nhiên để đi đến quyết định này nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng về những tác dụng phụ của các loại vắc xin đang sử dụng.
Liên quan đến thắc mắc của nhiều người về những lo ngại sức khỏe khi chuẩn bị tiêm phòng vắc xin Covid-19, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Việt Đức Hà Nội mới đây đã đưa ra những tư vấn quan trọng.
Theo Bác sĩ Trần Quốc Khánh 6 vấn đề dưới đây là những điều mà ai cũng cần biết để an toàn trước và sau khi tiêm vắc xin phòng dịch.
Phụ nữ cần lưu ý thời gian chụp Xquang vú sau khi tiêm vắc xin Covid-19
Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho biết, theo tài liệu lược dịch từ Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ thì những người đã tiêm phòng Covid-19 có thể bị nổi hạch ở nách có thể ảnh hưởng đến kết quả đọc trên phim chụp Xquang tuyến vú. Vì vậy, các chuyên gia khuyên nên đợi từ 4 đến 6 tuần sau khi tiêm vắc xin Covid-19 thì mới thực hiện việc chụp Xquang tuyến vú theo hướng dẫn của bác sĩ như vậy sẽ cho kết quả tốt hơn.
Việc tiêm phòng vắc xin kết hợp với thăm khám bệnh khác phải được sự hỗ trợ, chỉ định của bác sĩ
Có nên làm loãng máu vài ngày trước khi tiêm vắc xin khi có báo cáo về hiện tượng tăng đông máu do tiêm chủng?
Về bệnh lý này, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ khẳng định không nên dùng thuốc làm loãng máu trước khi tiêm, trừ khi bác sĩ đã kê đơn thuốc đó để điều trị tình trạng sức khỏe hiện có.
Không nhớ loại vắc xin mũi đầu đã tiêm thì nên xử lý như thế nào?
Khuyến cáo Tổ chức y tế thế giới chỉ rõ: Các loại vắc xin Covid-19 không thể thay thế cho nhau vì chưa đánh giá được tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng hỗn hợp.
Vì vậy, đối tượng được tiêm cần cố gắng hết sức để xác định loại vắc xin nào được sử dụng liều đầu tiên để đảm bảo hoàn thành tiêm phòng với cùng một sản phẩm.
Người tiêm phòng cần phải nhớ chính xác tên vắc xin mình đã được tiêm ở mũi đầu tiên
“Trong một số tình huống đặc biệt khi không xác định được sản phẩm vắc xin được tiêm cho liều đầu tiên hoặc không còn, bạn có thể sử dụng bất kỳ loại vắc xin mRNA Covid-19 nào có sẵn với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày”, bác sĩ Khánh đưa ra khuyến cáo.
Bác sĩ Khánh cũng cho biết thêm, nếu đã nhận được liều đầu tiên của vắc xin mRNA nhưng không thể hoàn thành loại vắcxin mRNA ở mũi 2, bạn có thể cân nhắc sử dụng một liều duy nhất vắc xin Janssen covid với thời gian cách nhau tối thiểu 28 ngày.
Thời gian tối thiểu khi tiêm các vắc xin thông thường và vắc xin phòng Covid-19 là bao lâu?
Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn có thể sử dụng vắc xin Covid-19 và các vắc xin khác mà không cần quan tâm đến thời gian.
Điều này bao gồm việc sử dụng đồng thời vắc xin covid với các vắc xin sống, giảm độc lực như vắc xin sởi, quai bị, rubella trong cùng một ngày.
Tiêm phòng vắc xin Covid-19 là điều kiện để phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng tốt nhất
Nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng như đau đầu, mờ mắt, đau ngực, đau bụng dữ dội, phù chân hoặc bầm tím da bất thường và khó thở… trong khoảng thời gian từ 3 đến 30 ngày sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19 thì cần gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng dẫn cụ thể.
Có khả năng miễn dịch cao có nên tiêm vắc xin Covid-19 không?
Về vấn đề này, bác sĩ Khánh đưa ra khuyến cáo: Xét nghiệm kháng thể hiện không được khuyến khích để đánh giá miễn dịch với Covid-19 sau khi tiêm chủng. Việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 là điều kiện để phòng chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Có thể tận dụng “gộp” từ một số lọ vắc xin Covid-19 để tiêm hay không?
Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới và trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ: “Không bao giờ được kết hợp hoặc “gộp” một phần các liều từ hai lọ trở lên để có được một hoặc nhiều liều vắc xin để tiêm”.
Theo đánh giá của WHO, hiện nay vắc xin mRNA như Pfizer và Moderna đã được sử dụng để bảo vệ hàng triệu người chống lại đại dịch Covid-19 rất an toàn, hiệu quả trên toàn cầu.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ