Đỉnh mới và sự “bất định” của thị trường bất động sản

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, các gói kích thích kinh tế dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2022 cũng sẽ là một động lực mạnh góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản đi lên.

Cơ cấu nguồn cung và giao dịch bất động sản nhà ở theo từng phân khúc cấu thành. (Nguồn: VNREA)

Nhiều tín hiệu sáng

Thị trường bất động sản 2021 đã trải qua với hai từ “bất ổn”. Theo đó, thị trường đã chứng kiến chu kỳ tăng giá và các đỉnh mới sau cơn sốt đất diện rộng hồi quý I. Bên cạnh đó, ngay cả khi làn sóng dịch bệnh quay trở lại, giá nhà ở vẫn tiếp tục tăng trong các quý tiếp theo.

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, giá đất tại miền Bắc đã tăng dựng đứng so với năm 2020. Đơn cử như tại Bắc Ninh tăng 61%, Hưng Yên tăng 22%. Trong phạm vi cách Hà Nội 100km, giá rao bán đất Hòa Bình tăng 106%, Thái Nguyên 57%.

Trong khi đó, thị trường phía Nam cũng ghi nhận Dầu Tiếng (Bình Dương) tăng 89%; Biên Hòa (Đồng Nai) tăng 38%; Nhà Bè (TP.HCM) tăng 45%; Cần Giờ (TP.HCM) tăng 37%. Còn tại thị trường miền Trung cũng ghi nhận mức giá tăng đột biến.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay dù chưa có con số chốt cuối cùng về quy mô của Chương trình thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế mà Quốc hội đang bàn thảo để thông qua.

Tuy nhiên, Chương trình chắc chắn cần có quy mô đủ lớn và diện hỗ trợ đủ rộng, tập trung hơn vào một số ngành có khả năng phục hồi, tạo sức lan tỏa. Một trong những trọng tâm của chương trình trên là việc tập trung giải ngân đầu tư công cơ sở hạ tầng sẽ là động lực rất tích cực cho thị trường bất động sản.

Nhiều người dân đổ xô về mua đất tại Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội khi nghe tin sắp có dự án của tập đoàn lớn được triển khai.

Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dòng tiền được dự báo sẽ tiếp tục chảy vào thị trường địa ốc đẩy giá nhà ở tăng cao chưa có điểm dừng. Các chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản năm 2022 sẽ còn dư địa tăng giá.

Trong đó, năm 2022 sẽ là năm đầu tiên mà lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở tại ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội đều cùng mức 4,8%/năm sẽ thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân.

Bên cạnh đó, sức nén về nguồn cung và nhu cầu khiến nhu cầu tích luỹ tài sản của người dân tiếp tục đổ vào bất động sản và chứng khoán.

Dư địa lớn, nguồn cung được cải thiện

Theo nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Vndirect, trong năm tới, bên cạnh lãi suất vay thì việc nguồn cung mới được cải thiện nhờ nới lỏng pháp lý và thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng trở thành động lực tăng trưởng chính của bất động sản.

Vndirect nhận định nguồn cung mới tại TP.HCM sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi mạnh mẽ 60 – 70% vào năm 2022 – 2023, được hỗ trợ bởi các quy định mới tháo gỡ các nút thắt pháp lý như Nghị định 148/2020 và Luật Xây dựng sửa đổi. Tại Hà Nội, nguồn cung mới cũng được kỳ vọng tăng khoảng 40% so với cùng kỳ đạt 25.600 căn trong 2022, sau đó sẽ hồi phục về mức 2018 – 2019.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra, sự bùng nổ đầu tư công và đầu tư hạ tầng giao thông trên khắp cả nước đã làm gia tăng giá trị bất động sản ở nhiều nơi. Đây là lý do cơ bản giúp thị trường nhiều nơi ít có biến động về giá giao dịch mua bán hoặc mức giá suy giảm không nhiều khi vừa trải qua những đợt sốt nóng.

Trong bối cảnh, giá bất động sản vẫn neo ở mức cao, mặc dù không có giao dịch. Hiện tại, nhiều địa phương đang điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch tổng thể đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Xu hướng đô thị hóa, quy hoạch mở rộng theo chiều ngang vẫn còn đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Theo các chuyên gia để dự báo chính xác trung, dài hạn với thị trường bất động sản là nhiệm vụ bất khả thi./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích