54 năm thành lập ASEAN: Đoàn kết, vững bước phát triển
54 năm thành lập ASEAN: Đoàn kết, vững bước phát triển
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng nhiều biến động khác trong khu vực cũng như quốc tế, ASEAN vẫn khẳng định rõ tinh thần đoàn kết, từng bước phục hồi kinh tế.
Chung tay xây dựng mái nhà ASEAN
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á được thành lập vào ngày 8/8/1967 thông qua Tuyên bố ASEAN, hay còn gọi là Tuyên bố Bangkok, được ký bởi bộ trưởng ngoại giao 5 nước thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau đó, ASEAN đã mở rộng bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó Brunei gia nhập năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999.
Các quốc gia trong khu vực đã từng bước vượt qua các rào cản của lịch sử và những khác biệt, cùng chung tay đẩy mạnh hợp tác, tăng cường liên kết dưới một mái nhà ASEAN, cùng phấn đấu vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển. ASEAN đã dần xây dựng được các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia, thống nhất được các mục tiêu chung, tạo dựng được lòng tin và thói quen hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á, bảo đảm hòa bình và ổn định không chỉ trong khu vực mà còn góp phần tăng cường hòa bình và hợp tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nền tảng cho các thành tựu trong 54 năm qua là những cơ chế hợp tác nội khối của ASEAN được triển khai thông qua các hiệp ước, diễn đàn, hội nghị, dự án, chương trình phát triển, việc xây dựng Khu vực tự do thương mại ASEAN và các hoạt động văn hóa – thể thao khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã từng bước xây dựng và vận dụng những cơ chế này nhằm bảo đảm các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên; xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình ổn định, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; giải quyết những khác biệt trong nội bộ liên quan đến mối quan hệ giữa ASEAN với các nước, khối nước khác hoặc các tổ chức quốc tế khác.
Gắn kết và chủ động thích ứng
Phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) và các Hội nghị liên quan vừa diễn ra từ ngày 2 – 6/8/2021, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Tinh thần ấy đã được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua và được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trước tác động kinh tế-xã hội nặng nề của đại dịch, hơn bao giờ hết, ASEAN cần phát huy mạnh mẽ nội lực của một cộng đồng tự cường và gắn kết, khẳng định vai trò và trách nhiệm với chính sự phát triển của khu vực.
Chia sẻ nhận định về những chuyển động mới trong chính sách, quan hệ và cạnh tranh giữa các nước lớn đang đặt ra cho ASEAN cả thách thức và cơ hội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng trong bối cảnh đó ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời đề cao đoàn kết, phát huy nội lực và bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) trực tuyến.
Bất chấp khó khăn do dịch bệnh, ASEAN đã và đang tiếp tục đạt được những tiến bộ trong nỗ lực xây dựng các trụ cột và triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Hiện nay, các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng đến năm 2025 đã và đang được triển khai đều khắp trên tất cả các trụ cột với những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, trụ cột Chính trị – An ninh đã hoàn tất 96% các dòng hành động, trụ cột Kinh tế đã hoàn tất 88%, còn trụ cột Văn hóa-xã hội hoàn tất 72%. Với những kế hoạch đặt ra của ASEAN như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các nước đã nhất trí với Lộ trình xây dựng và thành lập Nhóm đặc trách cao cấp xây dựng Tầm nhìn; ASEAN cũng tiếp tục triển khai kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN.
Các nước thành viên đều thể hiện sự thống nhất cao đối với các vấn đề chung trong khu vực.
Đặc biệt, ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác để chuyển đổi số. Các Bộ trưởng ASEAN phụ trách về hợp tác số đã thông qua Kế hoạch chuyển đổi số của ASEAN cho đến năm 2025. Đồng thời, ASEAN quyết tâm tận dụng và đẩy mạnh các Hiệp định đã ký kết về tự do hóa thương mại, xác định với nhau là cố gắng để phê chuẩn sớm nhất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong những vấn đề chung của khu vực như vấn đề Myanmar, Biển Đông, ASEAN đều đạt được đồng thuận cao đối với các giải pháp được đưa ra. Điển hình là việc cử đặc phái viên về Myanmar của ASEAN là Bộ trưởng Ngoại giao II của Brunei và đã được Myanmar chấp thuận, cam kết tạo điều kiện để Đặc phái viên thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đối với tình hình Biển Đông, ASEAN duy trì quan điểm nhất quán. Đó là ủng hộ, nhấn mạnh hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực và xây dựng lòng tin. Các nước phải kiềm chế, không có hành động làm theo thang căng thẳng, hoặc các hành động quân sự hóa hay tái tạo đảo, những hoạt động gây tổn hại quyền lợi chính đáng của các nước ở ven biển.
Các nước nhất trí rất cao, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ để điều chỉnh các hoạt động của các nước trên biển và trên đại dương. Các nước cũng nhất trí rằng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phải thực chất, tổng thể, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm
Gia nhập ASEAN năm 1995, trải qua 26 năm, Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, xây dựng ASEAN trở thành một Cộng đồng chung hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm.
Trong những lần nắm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã chủ động làm tốt vai trò trung tâm, dẫn dắt khi đưa ra một loạt sáng kiến, đề xuất. Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều sáng kiến của Việt Nam về hợp tác ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch đã được các thành viên ASEAN nhất trí và đưa vào triển khai như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN… Những sáng kiến này đã góp phần giúp ASEAN đứng vững trước đại dịch Covid-19 và sớm đi vào phục hồi, bảo đảm cho định hướng phát triển của ASEAN.
Chia sẻ về định hướng hoạt động của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, cho biết, Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai những hoạt động hợp tác với các nước trong khu vực và các nước đối tác với ASEAN bất chấp điều kiện dịch bệnh. Tùy theo thời điểm, hoàn cảnh cụ thể, Việt Nam sẽ tham gia duy trì đối thoại hợp tác trong khu vực dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Tình hình quốc tế và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, do đó, ông Vũ Hồ cho rằng Việt Nam cơ bản vẫn ưu tiên tham gia xử lý những vấn đề chung của khu vực như vấn đề Myanmar, diễn biến trên Biển Đông, cạnh tranh giữa các nước lớn.