Khảo sát, đánh giá thực trạng để hỗ trợ pháp lý “đúng và trúng” cho doanh nghiệp
Ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành Nguyễn Thanh Tú cho biết, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2021 đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Quản lý Chương trình đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Trong đó, nổi bật là xây dựng và phát sóng Chương trình hỗ trợ pháp lý góp phần phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 trên Đài Truyền hình Quốc hội; tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác đối thoại trong Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam; phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam xuất bản tài liệu chuyên sâu hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan.
Hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. |
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai các hoạt động của Chương trình giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên Chương trình đã tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động như: Tiến hành phát trực tiếp trên trang Facebook của Chương trình, xây dựng các bài giảng điện tử bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến nhằm lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp… Các hội nghị đối thoại trực tuyến, trực tiếp của Chương trình đã tạo được hiệu ứng tích cực.
Chương trình cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp tổ chức diễn đàn, hội nghị trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; tổ chức các chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp thông qua Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên Đài Truyền hình Quốc hội…
Các hoạt động này đã tạo kênh thông tin quan trọng và kịp thời để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật kinh doanh tới các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp khắc phục tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Bên cạnh những kết quả trên, ông Tú cho hay, hoạt động của Chương trình cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như công tác truyền thông, tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn do chưa được đầu tư nguồn lực và kinh phí hợp lý; một số hoạt động chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; chưa huy động được đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia…
Trong năm 2022, Chương trình sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động thuộc các Dự án gắn với việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ/CP. Trên cơ sở giao diện của Mục thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của Chương trình sẽ cung cấp các chính sách pháp luật, các thông tư, nghị định cần thiết và có tác động đối với DNNVV; đẩy mạnh chuyên mục mạng lưới tư vấn pháp luật; tạo lập diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan tổ chức và các doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu vụ việc, vướng mắc pháp lý cho DNNVV.
Đồng thời, tổ chức các tọa đàm, hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới đúng và trúng với nhu cầu của doanh nghiệp, có trọng tâm, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý; trao đổi, bình luận các bản án/vụ việc thực tế, các tình huống pháp lý; hướng dẫn doanh nghiệp bằng các vụ việc, tình huống cụ thể; biên soạn các tài liệu/ấn phẩm với trọng tâm là các vấn đề pháp lý cụ thể liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp…
Theo ông Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Trẻ Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Alo, để nâng cao hiệu quả của Chương trình, cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV, tận dụng tối đa tính ưu việt của công nghệ 4.0, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ…
Nguồn: Báo lao động thủ đô