Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sự kiện nổi bật trong năm 2021

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố sự kiện nổi bật trong năm 2021

MTĐT –  Thứ sáu, 31/12/2021 15:10 (GMT+7)

Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ tại COP26, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia… là 2 trong số các sự kiện nổi bật về ngành tài nguyên và môi trường năm 2021.

tm-img-alt
Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, diễn ra sáng 31/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố các sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2021.

Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ tại COP26

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, diễn ra tại Anh, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các cam kết hành động mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính.

Theo đó, Việt Nam quyết tâm đạt mục tiêu trung hòa cácbon vào năm 2050, cắt giảm 30% khí mê-tan vào năm 2030, tham gia tuyên bố chuyển đổi chuyển đổi năng lượng, rừng và sử dụng đất, hành động thích ứng toàn cầu.

Việt Nam cũng đã ký và triển khai nhiều chương trình hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các-bon thấp với nhiều đối tác quốc tế đồng thời tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về khí hậu, tài nguyên và môi trường.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Ngày 13/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.

Nghị quyết xác định mục tiêu bảo đảm nhu cầu sử dụng đất thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%…

Ban Bí thư Trung ương Đảng Chỉ thị về công tác khí tượng thuỷ văn

Ngày 25/9/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuyên suốt Chỉ thị nhìn nhận, đánh giá công tác khí tượng thủy văn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đồng thời là động lực và trọng trách của ngành khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 với mục tiêu đến năm 2030, phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á.

Tài nguyên nước được quản lý theo quy hoạch tổng hợp

Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số đề án khác. Đây tiếp tục là những công cụ nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên nước quốc gia; hướng đến việc quản lý tài nguyên nước đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia và tính liên vùng; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước lưu vực sông; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đổi mới thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự chuyển biến, động lực thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Bo Tai nguyen va Moi truong cong bo su kien noi bat trong nam 2021 hinh anh 1
Bao ví lưới nuôi ốc hương trên biển tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Chỉ thị thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thu nhận tín hiệu vệ tinh SPOT 6/7 độ phân giải cao

Trong năm 2021, Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thu được 8.767 cảnh ảnh với khoảng 4.384 cặp cảnh ảnh toàn sắc và đa phổ ở vệ tinh VNREDSat-1, trong đó số cảnh ảnh sạch là 911 cảnh (chiếm tỷ lệ 10,4%) trên tổng số cảnh thu được và thu nhận được 66 ảnh SPOT 6/7.

Về nhu cầu cung cấp ảnh, đa số các đơn vị yêu cầu cung cấp tập trung chủ yếu là ảnh VNREDSat-1 và ảnh SPOT 6/7 phục vụ cho các nhiệm vụ thành lập bản đồ hiện trạng kiểm kê đất đai 2021, đánh giá tình trạng thổ nhưỡng và chất lượng đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, kiểm soát cháy rừng, đánh giá các loại rừng để làm cơ sở xây dựng Khung giá đất rừng trên địa bàn tỉnh; giám sát ô nhiễm môi trường, thiên tai phục vụ công tác quản lý của ngành thủy sản, hải sản và đánh bắt xa bờ; giám sát tại khu vực ngoài biên giới phục vụ mục đích quốc phòng-an ninh.

UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Kon Hà Nừng

Tại Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB/ICC) diễn ra từ ngày 13 đến 17/9/2021 tại Nigeria, hai Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Như vậy, trong giai đoạn 2000-2020, Việt Nam đã được công nhận 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia (19 Khu dự trữ sinh quyển).

Cần Thơ nhận Giải thưởng thành phố bền vững môi trường ASEAN

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 16, chiều 21/10, lễ trao Giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5 đã được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Jakarta, Indonesia.

Năm 2021, có 10 thành phố được trao Giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5. Về phía Việt Nam, thành phố Cần Thơ đã vinh dự được nhận giải thưởng. Cần Thơ cũng là thành phố thứ 5 của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng này. Trước đó là thành phố Hạ Long, năm 2008; thành phố Ðà Nẵng, năm 2011, thành phố Huế năm 2014; thành phố Ðà Lạt năm 2017./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích