ISO 39001:2014 – hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt khủng hoảng

Năm vừa qua, vận tải hàng hoá nói chung tại Việt Nam đạt 1.774,6 triệu tấn, giảm 5,2% so với năm 2019, luân chuyển 339,4 tỷ tấn hàng hoá x kilomet, giảm 6,7% so với năm 2019. Mặc dù xuất nhập hàng hoá đều tăng nhưng vận tải hàng hoá nói chung lại giảm, đặc biệt là đường bộ với thị trường Trung Quốc, cho thấy ngành vận tải hàng hoá đường bộ bị ảnh hưởng lớn trong giai đoạn dịch Covid-19.

Dễ dàng nhận thấy, việc tạm thời dừng vận chuyển hàng hoá đường bộ do các vùng dịch bị phong toả đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận tải đường bộ. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp vận tải tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, cải thiện khó khăn bằng việc thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014.

Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 – Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ban hành từ năm 2012. Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu và hướng dẫn đối với hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ, giúp giảm thiểu tai nạn, có thể áp dụng trong tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ.

TCVN ISO 39001:2014 có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức nào, không phụ thuộc vào loại hình, quy mô, sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp, nhằm cải thiện hiệu quả về an toàn giao thông đường bộ 

Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 có tác dụng không những với doanh nghiệp vận tải mà là công cụ hỗ trợ hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người lái, ứng phó sau tai nạn, giáo dục an toàn giao thông và bảo hiểm. Xu hướng ứng dụng phương pháp tiếp cận Hệ thống an toàn toàn diện cho giao thông đường bộ, trong đó bao gồm việc áp dụng Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo TCVN ISO 39001:2014 đang ngày càng phổ biến trên thế giới.

Chia sẻ về lợi ích của việc áp dụng ISO 39001, bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng phòng Chứng nhận HT QUACERT cho biết, ISO 39001 giải quyết một trong những rủi ro liên quan đến mất an toàn lao động của tổ chức, giảm thiểu chi phí giải quyết tai nạn và sự cố giao thông đường bộ; giảm thiểu số ngày làm việc bị mất do tai nạn và sự cố giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, việc áp dụng ISO 39001 giúp tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có để đạt được mục tiêu kiểm soát rủi ro trên đường, đóng góp vào việc lập kế hoạch, thiết kế, vận hành và sử dụng hệ thống giao thông đường bộ tốt hơn; thúc đẩy tổ chức nỗ lực cải thiện hình ảnh, tăng cường kết quả kinh doanh.

“ISO 39001 đã thể hiện trách nhiệm với xã hội, nâng cao uy tín doanh nghiệp, tăng lợi thế cạnh tranh quá trình đấu thầu và giảm chi phí chi trả cho bảo hiểm. Các tổ chức không phân biệt loại hình, quy mô, sản phẩm, dịch vụ đều có thể áp dụng ISO 39001”, bà Trần Thị Ngọc Anh nhấn mạnh.

TCVN ISO 39001:2014 có thể áp dụng được cho bất cứ tổ chức nào, không phụ thuộc loại hình, quy mô, sản phẩm hoặc dịch vụ cung cấp, nhằm cải thiện hiệu quả về an toàn giao thông đường bộ của tổ chức. Tuy nhiên, hệ thống quản lý an toàn giao thông sẽ hiệu quả hơn với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải, tham gia xây dựng và quản lý hệ thống giao thông đường bộ, chủ đầu tư các công trình giao thông đường bộ.

Việc thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam là nền tảng rất quan trọng giúp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân người tham gia giao thông nhận thức được vai trò của an toàn giao thông đường bộ, thông qua đó, chúng ta sẽ có hoạt động cụ thể cho công tác quản lý an toàn giao thông như quản lý con người, phương tiện ngay bên trong doanh nghiệp.

Khi áp dụng tiêu chuẩn này, các tổ chức và doanh nghiệp có khả năng nhận diện yếu tố thực hành tốt quản lý an toàn giao thông đường bộ, giúp đạt kết quả mong muốn về an toàn giao thông đường bộ, đưa ra các công cụ giảm bớt và cuối cùng là loại bỏ rủi ro tử vong, thương tật nặng liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ.

Từ năm 2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã ký biên bản hợp tác thúc đẩy việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp. Mục tiêu là giảm thiểu tử vong và thương tật nặng trong tai nạn giao thông đường bộ, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, đáp ứng lộ trình áp dụng Chiến lược quốc gia về “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích