Phát triển hệ thống đo lường giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa

Phát triển hệ thống đo lường giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa. 

Thời gian qua, hệ thống đo lường nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển, góp phần quan trọng đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự, giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư năng lượng; bảo vệ sức khoẻ và môi trường, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước…; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chia sẻ về những chính sách phát triển hệ thống đo lường trong thời gian sắp tới sẽ mang đến nhiều thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian gần nhất chúng tôi sẽ tập trung làm 2 việc:

Thứ nhất, như đã biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành những lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên trong hoạt động đo lường. Trong đó, chúng ta sẽ lựa chọn một số ngành nghề thí điểm, ví dụ như ngành điện – một trong những ngành có vai trò quan trọng trong hoạt động phát triển kinh tế, cũng là một trong những ngành được lãnh đạo doanh nghiệp rất quan tâm đến hoạt động đo lường.

Thứ hai, triển khai chương trình đảm bảo đo lường. Trước đây chúng ta yêu cầu doanh nghiệp phải bảo đảm hoạt động đo lường ở các phương tiện đo nhóm 2, tuy nhiên đến nay chúng ta nâng thêm 1 bậc nữa sao cho phương tiện đo khác cũng được doanh nghiệp quan tâm để thực hiện bảo đảm đo lường.

Nếu chúng ta thực hiện được như vậy toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất trong doanh nghiệp sẽ đảm bảo yêu cầu về đo lường. Đồng nghĩa với việc chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ tốt hơn.

“Ngoài ra, khi triển khai chương trình bảo đảm đo lường, chúng tôi sẽ gắn với hệ thống quản trị về năng suất chất lượng, khi đó lập tức sẽ tạo sự đồng bộ cho doanh nghiệp, lượng hóa hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp thông qua các hệ thống công cụ năng suất”, TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích