Phát triển năng lượng nguyên tử: Không chỉ là hợp tác quốc tế

Phát triển năng lượng nguyên tử: Không chỉ là hợp tác quốc tế

MTĐT –  Thứ năm, 30/12/2021 09:17 (GMT+7)

“Làm thế nào để hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng thực sự hiệu quả?”, câu hỏi ấy khó trả lời hơn người ta tưởng bởi cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một chính sách đột phá cho lĩnh vực này.

Phát triển năng lượng nguyên tử: Không chỉ là hợp tác quốc tế
TS. Ayman Hawari, giám đốc Chương trình lò phản ứng hạt nhân của trường ĐH North Carolina (Mỹ) trao đổi với TS. Trần Chí Thành bên lò phản ứng PULSTAR của trường. Nguồn: North Carolina

Vấn đề ấy vẫn thường trực trong đầu những người làm năng lượng nguyên tử, ngay cả khi Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc 2021 đã kết thúc tại Đà Lạt. Bản chất của lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã là mở nhưng có lẽ, ít ai cũng có thể hình dung ra nó mở ngay trước mắt mình một cách rõ ràng và minh bạch như vậy. Ở phiên khai mạc hội nghị, lời mời hợp tác của Nga, Mỹ, Nhật Bản – những nơi đi đầu trong nghiên cứu và phát triển từ khoa học cơ bản của vật lý hạt nhân đến công nghệ hạt nhân của thế giới, đến cùng một lúc. Không khó để có thể nhận ra ngay rằng, đó là những cơ hội hợp tác hoàn toàn nghiêm túc và dài lâu.

Không dễ để các cường quốc như vậy thấy mình là một đối tác đủ năng lực nhưng lại càng không dễ để khai thác hiệu quả những mối quan hệ hợp tác ấy. “Vài ba năm sau những hồ hởi, vồ vập ban đầu, có nhiều dự án hợp tác đã dần tàn lụi và chỉ đi đến một việc là họ giúp ta đào tạo được một vài nghiên cứu sinh là hết”, một nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết như vậy sau khi chứng kiến nhiều thành bại hợp tác quốc tế trong khoa học.

Vậy làm gì để việc hợp tác thực sự hiệu quả? có cách nào để Việt Nam có thể “hưởng lợi” về mặt khoa học, ngoài việc thuần túy gửi người ra nước ngoài đào tạo? triển khai hợp tác như thế nào trong điều kiện hạn chế về nguồn lực?

Việc trả lời những câu hỏi này hết sức quan trọng bởi nó còn liên quan trực tiếp đến một trong những vấn đề căn cốt của ngành năng lượng nguyên tử: làm thế nào để Việt Nam có thể đón nhận thêm vô vàn lợi ích của các kỹ thuật hạt nhân?

Đi cùng các ông lớn

Không phải bây giờ, xu hướng hợp tác mới đến với ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam bởi vốn dĩ, quá trình hình thành của ngành đã mang màu sắc quốc tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất ở giai đoạn hiện tại chính là việc Việt Nam đã có một đội ngũ các nhà khoa học, trong đó có một số nhà khoa học trẻ được đào tạo hoàn toàn trong nước, đang trên đường trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực chuyên ngành hẹp của mình. “Trong nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân giàu neutron thì mình phải khẳng định một điều là tuy các thí nghiệm đều thực hiện ở nước ngoài nhưng vai trò của người Việt trong các thí nghiệm này ngày một được nâng cao, có những thí nghiệm mình đóng vai trò chính, ví dụ như báo cáo mà Bùi Duy Linh (Viện KH&KT hạt nhân) là tác giả thứ nhất”, TS. Phan Việt Cương, một nhà nghiên cứu về vật lý hạt nhân thực nghiệm ở VINAGAMMA, nhận xét như vậy trong phiên tổng kết của tiểu ban B (Vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân, máy gia tốc và phân tích hạt nhân) của hội nghị.

Năng lực được tích lũy theo thời gian chính là điểm mấu chốt để các mối hợp tác quốc tế đến với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Do đó, cơ hội tham gia vào các dự án tầm cỡ quốc tế do Mỹ, Nga hay Nhật Bản khởi xướng đang rộng mở. Trong phiên khai mạc hội thảo, ông Anthony Wier (Bộ Ngoại giao Mỹ) cho biết, công nghệ lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR), “một trong những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu trong vòng 60 năm nữa”. Ra mắt vào tháng 4/2021, dự án đầu tiên về SMR sẽ triển khai ở khu vực Đông Nam Á, cụ thể hơn là tại Indonesia. Việc nghiên cứu SMR với sự tham gia của các đối tác quốc tế được Mỹ hy vọng sẽ tạo ra nhiều đổi mới sáng tạo và mang đến nhiều công nghệ mới. “Trọng tâm của dự án này là thiết kế chương trình xây dựng năng lực để tăng cường hợp tác với những quốc gia mới phát triển năng lực hạt nhân và tăng cường hợp tác kỹ thuật với những quốc gia đối tác về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân cho nhiều quốc gia đang xem xét phát triển công nghệ SMR”, ông Anthony Wier nói.

Tham vọng phát triển công nghệ SMR, trong đó có cả lò phản ứng trên thiết bị nổi (FNPP), của Mỹ với Đông Nam Á có thể sẽ mở ra nhiều điều thú vị về KH&CN vì liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, trao đổi sau hội nghị. “Hiện nay, mặc dù SMR không phải là nghiên cứu ưu tiên đối với những nước chưa có năng lượng hạt nhân như Việt Nam nhưng Viện cũng cố gắng tìm hiểu. Việc triển khai hợp tác nghiên cứu với Mỹ cũng tốt cho mình bởi nó sẽ giúp mình có được năng lực mới”, anh nhận xét về lợi ích tiềm năng của việc tham gia dự án. Là một chuyên gia về an toàn hạt nhân, anh nhận thấy công nghệ FNPP có nhiều điểm khác biệt cần khai phá, ví dụ như không được đặt cố định trên đất liền như lò phản ứng theo công nghệ truyền thống mà trên một nền tảng cơ động trên mặt biển nên có thể phải đủ sức chống chịu nhiều rủi ro tiềm năng trong những điều kiện thời tiết khác nhau như bão, gió…

“Để mối quan hệ hợp tác thật sự hiệu quả thì mình phải cố gắng giải quyết vấn đề của họ, qua đó từng bước đào tạo con người và lấy đó làm cơ sở để giải quyết vấn đề của mình, khi hội tụ đủ điều kiện. Trong đầu mình lúc nào cũng phải nghĩ đến điều đó”. (TS. Trần Chí Thành)

Nếu việc hợp tác với Mỹ được “đóng gói” vào SMR, một trong những quan tâm bậc nhất của Mỹ hiện nay trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, thì mối liên hệ của Việt Nam với Nga lại mang màu sắc khác và mở rộng ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. “Viện Liên hợp hạt nhân Dubna là một viện đa ngành. Trước đây, chúng ta chỉ biết đến Dubna là một nơi chuyên về vật lý hạt nhân thì nay, quy tụ rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học môi trường, y học, vật lý chất rắn…”, giáo sư Trần Đức Thiệp, một chuyên gia vật lý hạt nhân thực nghiệm ở Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cho biết như vậy trong phiên họp của tiểu ban B.

Phát triển năng lượng nguyên tử: Không chỉ là hợp tác quốc tế
Việt Nam tham gia thí nghiệm đầu tiên về chùm tia ion nặng của máy gia tốc U-400 với việc sử dụng quang phổ kế từ có độ phân giải cao (MAVR) trong phòng thí nghiệm Các phản ứng hạt nhân Flerov ở Dubna. Nguồn: JINR

Một trong những điểm khác biệt nữa là Dubna, nơi có lò phản ứng nghiên cứu IBR2 với luồng xung mạnh nhất thế giới và nhiều thiết bị khiến “chúng ta ngợp vì có thể chưa bao giờ thấy ở đâu” như giới thiệu của PGS. TS Nguyễn Nhị Điền (Viện NLNT VN), cũng có thể được coi là ‘ngôi nhà’ của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Giáo sư Lê Hồng Khiêm, đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Dubna, nhấn mạnh đến lợi thế này: “Mình là thành viên chính thức của Dubna, nên có quyền tự lựa chọn hướng nghiên cứu và chủ đề nghiên cứu. Mỗi năm, mình có quyền cử 40 đến 50 người sang đó làm việc trên các thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới và được hưởng chế độ lương bổng theo quy định”.

Nhìn thấy ở Việt Nam một tiềm năng mới với dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia, TS. Grigory V. Trubnikov, Giám đốc Dubna, đã chủ động đề nghị được tham gia đầu tư một kênh ngang trên lò phản ứng nghiên cứu mới, dẫn dòng neutron để triển khai nghiên cứu và ứng dụng. “Đó là chuyện phức tạp và tốn kém nhưng Dubna có đủ kinh phí và năng lực tính toán để thiết kế kênh và lắp đặt thiết bị đi kèm để khai thác. Họ sẵn sàng đầu tư và đề nghị coi đó là phòng thí nghiệm chung hoặc một chi nhánh của Dubna tại Đông Nam Á”, TS. Trần Chí Thành nói và cho biết thêm “Việc hợp tác này có lợi cho mình bởi sự hiện diện của họ và việc triển khai nghiên cứu của họ sẽ nâng tầm của mình lên rất nhiều, thậm chí thu hút người làm nghiên cứu trong khu vực”.

Dubna từng áp dụng thành công những kế hoạch tương tự ở nhiều quốc gia thành viên. “Trong tương lai, Trung tâm của mình sẽ có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trình độ quốc tế từ Dubna, nếu đây là phòng thí nghiệm mới của họ. Nhờ vậy, mình không chỉ khai thác tốt thiết bị mới mà còn trưởng thành lên. Theo kinh nghiệm của tôi, muốn đào tạo được chuyên gia có thể thiết kế thí nghiệm sử dụng các dòng neutron khai thác từ lò phản ứng nghiên cứu, phải mất từ 10 đến 15 năm học hỏi trong một tập thể quốc tế tốt”, giáo sư Lê Hồng Khiêm, một người ủng hộ nhiệt thành cho ý tưởng, mường tượng đến ngày có thể chủ động triển khai được những dự án vật lý hạt nhân lớn ngay tại Việt Nam.

Nhưng giữa mong muốn và thực tại vẫn còn một khoảng cách lớn…

Không thể hợp tác một chiều

Câu chuyện hợp tác không phải lúc nào cũng diễn ra theo đường thẳng tuyến tính, cứ đặt bút ký vào biên bản ghi nhớ là có thể gặt hái được thành công, ngay cả giữa những bên có trình độ tương đương nhau. Trong khi đó, mối quan hệ hợp tác về năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam với Mỹ hay Nga, những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này, vốn dĩ đã khó ở thế thăng bằng. “Đương nhiên là mình yếu hơn, mình chưa thể ở mức ngang hàng với họ và chắc chắn là còn phải học hỏi họ”, TS. Trần Chí Thành không ngại ngần cho biết như vậy. “Tuy nhiên, để mối quan hệ hợp tác thật sự hiệu quả thì mình phải cố gắng giải quyết vấn đề của họ, qua đó từng bước đào tạo con người và lấy đó làm cơ sở để giải quyết vấn đề của mình, khi hội tụ đủ điều kiện. Trong đầu mình lúc nào cũng phải nghĩ đến điều đó”.

Có một điểm thú vị là dù ở cương vị nào thì góc nhìn của những nhà khoa học cũng giống nhau, khi nói đến điều mình mơ ước: một ngày nào đó, Việt Nam có thể đạt được trình độ tương đương các quốc gia phát triển. “Anh luôn phải nghĩ đến mục tiêu của mình, nghĩ đến việc mình có lợi ích gì về mặt khoa học không khi đi theo những con đường hợp tác đó và mình có quyết tâm không để đạt được trình độ khoa mọc đó”, TS. Phan Việt Cương, người có nhiều hợp tác với đồng nghiệp Pháp, Hàn Quốc…, chia sẻ.

Nhưng đường đến đó còn dài, nhất là với một quốc gia mà từ gần 40 năm qua, không triển khai một công trình năng lượng nguyên tử lớn ở tầm quốc gia nào và điều kiện nghiên cứu vẫn còn khiêm tốn nhiều mặt. Vì thế, để hợp tác hiệu quả, trước mắt Việt Nam có thể tham gia những dự án lớn như dự án SMR của Mỹ ở Đông Nam Á, “tham gia giải quyết một mối quan tâm lớn về công nghệ của họ nhưng cũng có lợi ích cho mình”, TS. Trần Chí Thành giải thích. Hiện tại, SMR là một công nghệ mới mà người ta còn chưa hiểu rõ như công nghệ lò nước nhẹ truyền thống và việc tìm hiểu về nó sẽ đem lại rất nhiều know-how.

Rõ ràng, ngay cả trong câu chuyện SMR này thì sự tham gia của Việt Nam sẽ không thể diễn ra một chiều. “Mình phải dành nhiều công sức và có đóng góp về nội dung nghiên cứu cùng họ. Đó cũng là cách để đem lại hiệu quả trong công việc và mình có thể dần bình đẳng với họ”, TS. Phan Việt Cương nói.

Có rất nhiều cách để Việt Nam có thể tham gia đóng góp vào một dự án lớn ở tầm quốc tế như vậy, nhất là trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Việt Nam không hề kém cạnh các quốc gia Đông Nam Á, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn ở một số chuyên ngành hẹp. “Tôi nghĩ rằng, cách thức tốt nhất để mình có thể làm điều gì đó có ý nghĩa thực sự và có vai trò thực sự là Việt Nam và Mỹ cần trao đổi nhiều với nhau hơn nữa. Có thể hai bên cùng tổ chức hội nghị hội thảo, trao đổi chuyên gia, cán bộ nghiên cứu. Chỉ có qua trao đổi một cách thẳng thắn thì hai bên mới có thể tìm được những nội dung thiết thực để tập trung thực hiện”, TS. Trần Chí Thành nói.

Phát triển năng lượng nguyên tử: Không chỉ là hợp tác quốc tế
Nhà nghiên cứu trẻ Hồ Văn Doanh (Viện nghiên cứu hạt nhân) trao đổi với giáo sư Sheldon Lansberger (trường Đại học Texas, Mỹ) bên lề Hội nghị lần thứ 13. Ảnh: Thanh Nhàn

Trong chương mới hợp tác với Dubna, cách thức thậm chí còn rõ ràng hơn. Rosatom, công ty mà Việt Nam hợp tác về dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân quốc gia, đã đồng ý cùng với Dubna và Việt Nam thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới. Để có thể tham gia cùng họ, nhóm nghiên cứu do PGS. TS Nguyễn Nhị Điền dẫn dắt đã thực hiện một đề tài trong vòng năm năm “Nghiên cứu, tính toán các đặc trưng neutron, thủy nhiệt và phân tích an toàn lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu cho Trung tâm KH&CN hạt nhân” (ĐTĐL.CN-50/15). Nhưng đây mới chỉ là một trong số những dự án cần được tiến hành khác, nếu nhìn về một tương lai dài rộng hơn. “Việc khai thác thật hiệu quả Dubna, một nơi có thiết bị tốt bậc nhất thế giới và là nơi mình đóng tiền niên liễm hằng năm, là tuyển được những người thực sự say mê khoa học và có năng lực làm việc cùng với họ trong vòng 10 năm. Khi ấy, mình không chỉ tham gia được các nghiên cứu của họ mà còn lập được cả nhóm nghiên cứu của mình ở đó và thực hiện nghiên cứu theo mục tiêu của mình”, giáo sư Lê Hồng Khiêm chia sẻ qua điện thoại.

Cần một chính sách đột phá

Giữa từng khía cạnh của câu chuyện hợp tác quốc tế, thật bất ngờ khi đâu đâu cũng nổi lên một vấn đề hoàn toàn “nội địa” – con người. Tất cả mọi nỗ lực mở rộng biên độ hợp tác của những người có trách nhiệm sẽ trở nên vô nghĩa nếu một vài năm nữa, không có cách nào thu hút được người giỏi vào lĩnh vực này. Đó là nỗi day dứt từ lâu của những người trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. “Xã hội hiện tại có xu hướng khác, không quan tâm nhiều đến khoa học và khoa học không còn hấp dẫn đối với những người có năng lực nữa”, TS. Trần Chí Thành từng nêu tại lễ tổng kết chương trình KC05/16-20 vào cuối tháng 10/2021.

“Những gì diễn ra trong tương lai thách thức vô cùng với VINATOM. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục cơ chế như hiện nay, tôi rất lo là nhân lực sẽ giảm rất mạnh. Từ năm 2012, lúc nào chúng ta cũng bàn bạc về việc cần phải có một chế độ đãi ngộ đặc biệt cho người làm hạt nhân nhưng mãi vẫn không làm được…”. (Giáo sư Đào Tiến Khoa).

Những cơ hội hợp tác mới mở ra như những chuyến đi có thể dẫn đến thành công nhưng liệu có được coi là thành công khi rồi đây không thể bổ sung lực lượng tham gia. “Nếu không có người tâm huyết thực sự thì chắc khó phát triển được. Nếu cứ để mọi việc diễn ra một cách tự nhiên ‘trời sinh voi, trời sinh cỏ’ mà không có tác động về mặt chính sách thì có thể chúng ta tìm mãi, tuyển mãi thì cũng có được một vài người giỏi. Nhưng tất cả những gì đạt được sẽ chỉ mang tính rời rạc nhỏ lẻ, sự phát triển của một ngành không thể chỉ dựa vào nhiệt huyết của một vài cá nhân”, anh nói.

Mặc dù hiện tại, bằng nhiều cách, ngành năng lượng nguyên tử quy tụ được một đội ngũ nhà nghiên cứu nhưng việc không bổ sung nguồn sinh lực mới, ắt hẳn nó sẽ tự co sụp như hiện tượng diễn ra ở cuối vòng đời của các thiên thể trong vũ trụ. “Những gì diễn ra trong tương lai thách thức vô cùng với VINATOM. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục cơ chế như hiện nay, tôi rất lo là nhân lực sẽ giảm rất mạnh. Từ năm 2012, lúc nào chúng ta cũng bàn bạc về việc cần phải có một chế độ đãi ngộ đặc biệt cho người làm hạt nhân nhưng mãi vẫn không làm được…”, giáo sư Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân), từng phát biểu về hiện trạng tồn tại của ngành trong lễ tổng kết Viện năm 2020.

Không ai có thể dửng dưng trước viễn cảnh này. Tại sao cả một lĩnh vực KH&CN rộng lớn, có thể góp phần giải quyết nhiều vấn đề nóng của toàn cầu như năng lượng, ô nhiễm, đói nghèo, ung thư, sản xuất bền vững… lại chật vật ở nơi này? “Chúng tôi cảm thấy rõ là sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng chung cũng như giới quản lý với ngành có phần giảm đi từ năm 2016, khi chúng ta tạm dừng chương trình phát triển điện hạt nhân. Có thể là mọi người cho rằng đã làm vật lý hạt nhân là làm điện hạt nhân…”, giáo sư Đào Tiến Khoa thử lý giải nguyên nhân mà ông cho là dẫn đến nút thắt chính sách. Rõ ràng, cũng như nhiều lĩnh vực khoa học khác, việc đầu tư cho năng lượng nguyên tử không thể trong ngắn hạn mà ra kết quả ngay được. Mới đây, trong lúc tổng kết tiểu ban B của hội nghị, PGS. TS Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân, đã chia sẻ với đồng nghiệp “Tôi nghĩ cần phải có những ưu đãi đặc thù cho ngành vì đây là vấn đề mang tính tiềm năng và tầm cỡ tiềm lực của đất nước, không vì hiệu quả kinh tế trước mắt mà quên đi điều đó. Với năng lượng nguyên tử, chúng ta phải dành cho nó sự đầu tư lâu dài”.

Có lẽ, trong một vài câu nói, những người làm khoa học không thể nêu hết những mơ ước về chính sách của mình. Họ chỉ có những ví dụ về thành công và thất bại của chính sách mà chính họ hoặc đồng nghiệp của họ từng nếm trải, như câu chuyện của giáo sư Đào Tiến Khoa: “Năm 2015, tôi có dịp quay lại Dubna, gặp lại bạn bè sau ba mươi mấy năm. Họ kể lại với tôi câu chuyện rất cảm động là vào quãng năm 1997 – 1998, Dubna đã rơi vào trạng thái chỉ có thể trả lương tháng này mà không có tiền để trả lương tháng sau, nghĩa là gần như rơi vào trạng thái tuyệt vọng và gần như bên bờ suy sụp. Giới lãnh đạo Viện bằng cách nào đó đã liên lạc với ông Putin và ông Putin đã tổ chức một chuyến làm việc đặc biệt với Viện, gặp tất cả lãnh đạo khoa học và nghe hết mọi chuyện trong vòng một ngày. Ngay ngày hôm sau, ông đã ra một quyết định đặc biệt đầu tư cho Dubna, không ai được tranh cãi. Chính ông Putin đã cứu Dubna và đến nay Dubna vẫn trường tồn như một cơ sở nghiên cứu hạt nhân quan trọng của Nga và thế giới. Có lẽ, ở Việt Nam cũng cần phải có sự quan tâm đến ngành như vậy…”.

Hẳn thế, phép màu nào có thể vực dậy được một biểu tượng khoa học nếu không phải là một chính sách đặc biệt? □

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích