Đo lường – ‘mở đường’ đưa sản phẩm Việt vươn tầm quốc tế

Đo lường trở thành công cụ, giải pháp giúp cho doanh nghiệp chuẩn hóa sản phẩm. Ảnh minh họa.

Ngày nay, trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của hoạt động đo lường ngày càng được khẳng định. 

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế, dân sự; góp phần đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ và môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.

Chia sẻ về những dấu ấn của hoạt động đo lường những năm qua, TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, cùng với hoạt động tiêu chuẩn và quản lý chất lượng, đo lường là một trong những hoạt động hết sức quan trọng của Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng, đất nước nói chung. 

Từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc lệnh 08 về đo lường, đây là văn bản đầu tiên đặt nền móng cho hoạt động đo lường.

Những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về đo lường đã được sửa đổi nhiều lần và đến nay Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp lý về đo lường tương đối hoàn thiện, bao gồm: Luật Đo lường (2011) và các văn bản dưới Luật, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Song hành với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua, chúng ta cũng đã xây dựng được hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) khá đầy đủ để thực thi các công việc cụ thể như thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng xã hội.

Cho đến nay, đã có 179 văn bản ĐLVN được ban hành, hầu hết các phương tiện đo trong danh mục phải kiểm định đều đã có quy trình kiểm định tương ứng và dần phù hợp với các khuyến nghị, tiêu chuẩn quốc tế. Đây thực sự là thành tựu của việc nghiên cứu, ứng dụng đưa các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới vào phục vụ công tác đo lường ở nước ta.

Cùng với đó, Việt Nam hiện là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, đã tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước về đo lường được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương (ở Trung ương là Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ở địa phương là 63 Sở KH&CN và Chi cục TCĐLCL).

Ngoài ra, hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành được ban hành thay thế cho các quy định trước đây không còn phù hợp; hệ thống tổ chức ngày càng hoàn thiện; nhiều nhiệm vụ được triển khai đồng bộ, đạt kết quả to lớn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Thời gian gần đây, cụ thể năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 996 về “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngay trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ký ban hành Quyết định 510 hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.

“Từ hoạt động mang tính kỹ thuật, chúng ta đã đưa đo lường trở thành công cụ, giải pháp giúp doanh nghiệp chuẩn hóa sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, “mở đường” đưa sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, cho thấy sự khởi sắc của hoạt động đo lường thời gian qua”, TS. Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh mới, hoạt động đo lường Việt Nam cần có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định vị trí là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích