Bất chấp đại dịch, tiền vẫn “rẽ“ vào bất động sản, nhà đầu tư bỏ tiền vào khu vực nào để có lãi?
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 1,17 tỷ USD, giảm hơn 1,6 tỷ USD, tương đương khoảng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản giảm mạnh đã được dự báo từ trước, khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Do đó, ông Đính cho rằng, không mấy ngạc nhiên khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam giảm mạnh, trong đó có bất động sản. Song, việc sụt giảm này chỉ là tạm thời vì thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư vào Việt Nam.
Một con số đáng chú ý từ Tổng cục Thuế cho thấy, sau 7 tháng, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản đã đạt gần 25.000 tỷ đồng, tăng 62%.
Bất động sản vẫn nằm trong nhóm một số ngành tăng trưởng khá. Theo Tổng cục Thuế, thị trường bất động sản lại có được đà tăng trưởng từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao. Theo đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh, tăng 44,8%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Giới chuyên gia cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu, đảm bảo tính an toàn và lợi nhuận. Lợi nhuận từ bất động sản rất cao, đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này được thành lập.
Nếu như so với việc bỏ tiền đầu tư mở quán cà phê, nhà hàng rất vất vả hay chơi chứng khoán thì cần có chút am hiểu về kiến thức về thị trường thì với bất động sản thì khách hàng chỉ cần bỏ tiền mua một mảnh đất rồi để đó vài năm là có thể sinh lời. Đặc biệt, việc sinh lời từ bất động sản hấp dẫn hơn rất nhiều so với ngành nghề khác.
Một nhà đầu tư có gần 20 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản nhận định, thị trường bất động sản chưa thể “nóng” ngay sau khi kết thúc dịch bệnh, nhưng khả năng phục hồi là rất cao.
“Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát cộng với dòng vốn từ chứng khoán, vàng, tiết kiệm đổ về, bất động sản vẫn sẽ là kênh sôi động trong cuối năm nay”, vị này nhận định.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng: Nhà đầu tư nên đầu tư vào những khu vực mà bất động sản có thể đưa vào khai thác sử dụng. Còn nếu đầu tư theo hướng để đấy hoặc đầu tư mang tính chất đám đông có tính dài hạn thì cũng không phải là giải pháp hợp lý. Hiện các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động đầu tư trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, ít nhất là trong năm nay.
Còn ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, bất động sản nhà ở vẫn luôn là kênh đầu tư dài hạn hấp dẫn, một trong những phương án đa dạng hóa kênh đầu tư của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông lưu ý nhà đầu tư vẫn cần lưu ý về việc cân nhắc giá trị của kênh đầu tư về dài hạn này. Chỉ trong điều kiện khu vực được đầu tư có tiềm năng phát triển thì khi đó đầu tư mới là một quyết định nên làm.