Nỗ lực giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông
Phát huy các chương trình mục tiêu
Ngày 1/12/2015, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 06 về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2029. Sau 5 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết đặt ra đã cơ bản hoàn thành. Ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT của người dân đã từng bước được cải thiện.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu vực, góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với diện tích xây dựng đô thị tăng từ 8,65 năm 2015 lên 10,07 năm 2020, bình quân tăng khoảng 0,3%/ năm.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng giao thông vận tải Thủ đô đồng bộ, thông minh, hiện đại. (Ảnh: Minh Phương). |
Công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; công tác tổ chức giao thông được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, linh hoạt với nhiều giải pháp tích cực phát huy hiệu quả các công trình giao thông hiện có, xử lý kịp thời những bất cập trong tổ chức giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao; từng bước bố trí hợp lý luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, phát triển hợp lý các loại hình vận tải; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2019 đáp ứng được 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 14,85% nhu cầu đi lại của người dân.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT đã được tăng cường. Từ năm 2016 đến nay đã xử lý được 67 điểm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố; hàng năm đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với các năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đạt yêu cầu đề ra, tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng còn thấp, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, điều hành, giám sát giao thông còn chậm và thiếu đồng bộ. Đồng thời công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, chưa kiên quyết khiến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao…
Đề ra những giải pháp cụ thể
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá, đồng thời Nghị quyết cũng đã chỉ ra tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Từ yêu cầu thực tiễn này, Ủy ban nhân dân Thành phố xác định cần thiết tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo TTATGT giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trên cơ sở này, tại kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa 16 đã thông qua Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm TTATGT giai đoạn 2021-2025. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình là hơn 1.864 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm. Trong đó, riêng năm 2021 có kinh phí là 335 tỷ đồng (đã được Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí để thực hiện trong năm 2021). Đây là cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của Thủ đô…
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, hàng năm, Hà Nội phấn đấu xử lý từ 7 đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới và không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 30 phút. Xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông, qua đó góp phần giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10%/năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương). Mục tiêu tổng quát của chương trình sẽ huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông. Xây dựng giao thông vận tải Thủ đô đồng bộ, thông minh, hiện đại, thuận lợi, trật tự, an toàn, chất lượng, hiệu quả. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo đảm TTATGT, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. |
Điểm sơ qua các dự án được thông qua đều là những dự án dân sinh thiết yếu. Trong đó có các dự án Xây dựng trường Trung học phổ thông tại ô đất A1, khu quy hoạch K7-1, quận Cầu Giấy; nâng cấp Bệnh viện Ung bướu Hà Nội-bệnh viện mũi nhọn về chẩn đoán và điều trị ung thư. Một số công trình nâng cấp, bảo vệ đê điều như kè chống sạt lở bờ tả sông Đuống thuộc xã Yên Viên (huyện Gia Lâm); cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh tiêu Hiệp Thuận kết hợp đường giao thông ở huyện Phúc Thọ; cải tạo, nâng cấp đê hữu Hồng, đê Ngọc Tảo kết hợp giao thông ở huyện Phúc Thọ…
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 4 cầu vượt cho người đi bộ qua đường trên đường Lê Đức Thọ và đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm); đường Nguyễn Khánh Toàn, đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy). HĐND Thành phố cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm).
Để hoàn thành các chỉ tiêu, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Trong đó, việc đầu tiên là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, giải quyết ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải…Một trong những nhóm giải pháp khác là đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông.
Đây là giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, có vai trò cực kỳ quan trọng với chương trình. Đồng thời mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Giải pháp này còn có ý nghĩa rất lớn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường Thành phố./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô