Cần có luật về làm từ thiện

(Xây dựng) – Từ thiện là hoạt động xã hội mang tính nhân đạo cao cả theo truyền thống dân tộc tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách” hay như “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Người Việt Nam giàu lòng yêu nước, thương người, luôn biết “nhường cơm xẻ áo” cho những số phận không may mắn, khốn khó, do thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo…

can co luat ve lam tu thien
Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Bên cạnh chính sách xã hội của Nhà nước, nhiều năm qua hoạt động từ thiện, nhân đạo đóng góp rất quan trọng, làm cho một bộ phận không nhỏ người dân gặp hoạn nạn, nhất là bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh được cứu giúp, hỗ trợ vật chất, tiền bạc, góp phần khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, bảo đảm học tập cho lớp trẻ.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý trong lĩnh vực hoạt động này chưa cơ bản, chưa hoàn thiện, nên bộc lộ nhiều kẽ hở, có tình trạng lợi dụng để trục lợi. Mặc dù Nghị định 64/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp nhưng 13 năm qua việc làm từ thiện bộc lộ không ít khiếm khuyết. Một số quy định đã lạc hậu so với thực tiễn. Cụ thể là quy định cho các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc các cấp, Hội Chữ Thập đỏ, Quỹ xã hội – từ thiện, các cơ quan thông tin đại chúng được vận động, tiếp nhận đóng góp của Nhân dân. Tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 64 quy định “Ngoài các tổ chức nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”. Rồi khoản C điểm 3 Điều 9 nêu “Toàn bộ số tiền mà các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức, đơn vị… tiếp nhận tài trợ phải chuyển vào tài khoản của Ban Cứu trợ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (hoặc Kho bạc Nhà nước)… Tuy nhiên, những quy định đó đã không có hiệu lực, chứa đựng mâu thuẫn. Cụ thể là mỗi lần xảy ra bão lụt ở miền Trung, nhiều người bệnh hiểm nghèo trong các bệnh viện thường được nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, cá nhân là nghệ sĩ, nhà hảo tâm… tự nguyện đứng ra quyên góp, trực tiếp đi cứu trợ. Cuối năm 2020, có nghệ sĩ chỉ trong 1 tháng vận động được hàng chục tỷ đồng, vợ chồng nghệ sĩ Thủy Tiên quyên góp được 178 tỷ đồng… Nhiều cơ quan báo chí đứng ra vận động và đi cứu trợ mà không nộp vào tài khoản quy định. Một số Đại biểu Quốc hội cho rằng cá nhân vận động quyên góp là trái luật, có luật sư lại cho là phù hợp. Do hành lang pháp lý, quy định mâu thuẫn, thiếu chuẩn mực nên hoạt động từ thiện đang bộc lộ sự lộn xộn, quản lý Nhà nước có phần lỏng lẻo.

Được biết, Chính phủ đang soạn thảo để ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 64. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là văn bản quy phạm pháp luật. Về lâu dài, cần ban hành Luật về làm Từ thiện như nhiều quốc gia đã có (Anh, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…). Ở Vương quốc Anh, luật về hoạt động từ thiện có từ năm 1960, sửa đổi bổ sung các năm 1978, 2006, 2011 nên hoạt động rất nền nếp, hiệu quả. Không chỉ tác động trong nước mà Quỹ Oxfam (Anh) hàng năm còn hỗ trợ cho 20 triệu người trên thế giới.

Làm từ thiện phải có niềm tin vào con người, vì con người. Để bảo đảm lĩnh vực này hoạt động hiệu quả thiết thực, công khai, minh bạch cần một hành lang pháp lý chặt chẽ, kỷ cương, nghiêm chỉnh và nhân văn. Sự cần thiết là ban hành luật về làm từ thiện thể hiện bản chất mang ý nghĩa xã hội cao cả và tính ưu việt của chế độ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích