Nhìn từ đại dịch Covid-19: Vành đai 4 là lối thoát chiến lược cho Vùng Thủ đô
Những ngày qua, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa lưu lượng phương tiện vào trung tâm cũng như quá cảnh thành phố, các cửa ngõ Thủ đô chịu áp lực ùn tắc rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực lan sang cả địa phương khác.
Theo thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành, nếu có con đường chiến lược Vành đai 4, Hà Nội sẽ không còn là “điểm nghẽn” trong những tình huống khẩn cấp tương tự.
Vành đai 3 quá tải
Thạc sĩ Phan Trường Thành đánh giá, trong những năm qua, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, phục vụ nhu cầu thông thương cả nội vùng và liên vùng, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó phải kể đến 7 tuyến cao tốc bao gồm: Hà Nội – Lào Cai; Hòa Lạc – Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Hải Phòng; Cầu Giẽ – Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài – Bắc Ninh.
7 tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh; Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Lạng Sơn – Bắc Giang – Hà Nội; Hà Nội – Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc Bộ nói chung.
Thực tế cho thấy, trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội, hạn chế giao thông ngay từ các cửa ngõ, tình trạng ùn ứ diễn ra rất phức tạp. Việc vận chuyển hàng hóa, hành khách từ cả 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc thông qua Hà Nội gặp vô vàn khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng sản xuất cũng như nhu cầu đi lại của Nhân dân nhiều tỉnh, thành.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là cả 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Thủ đô làm tâm, hướng tâm vào Vành đai 3 Hà Nội. Hiện nay, gần như toàn bộ vai trò của một tuyến đường vành đai phân bổ theo các hướng cho Vùng Thủ đô đều đang đổ dồn lên Vành đai 3.
Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi phía Bắc, phía Tây và ngược lại, quá cảnh Hà Nội chủ yếu thông qua Vành đai 3. Mà tuyến đường này đã thực sự quá tải với mật độ lưu lượng giao thông rất lớn, cao gấp khoảng 2,5 lần so với lưu lượng tiêu chuẩn. Khi các cửa ngõ, đầu mối giao thông dọc Vành đai 3 bị chốt cứng, giao thông bế tắc, người dân, DN đều vô cùng chật vật.
Vành đai 4 – con đường chiến lược
Theo quy hoạch, Vùng Thủ đô và Hà Nội còn có một số tuyến đường chiến lược nữa, nhưng quan trọng nhất là Vành đai 4, tuyến kết nối với tất cả 7 cao tốc hướng tâm trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô nói chung; phân bổ lưu lượng giao thông cho các trục cao tốc, và hình thành liên kết chặt chẽ giữa 4 hành lang kinh tế quan trọng phía Bắc.
Theo quy hoạch hướng tuyến, Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội dài khoảng 56,5km. Điểm đầu tại Km3 + 695 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai; đi theo hướng Tây – Nam, giao QL2; tiếp tục qua Khu đô thị mới Mê Linh, vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà; giao với QL32, cắt qua Đại lộ Thăng Long tại Km12 + 600; giao QL6, đi theo hướng Đông – Nam; giao QL1A và cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở; kéo dài đến QL5. Theo phương án cao tốc đi bằng cần nguồn vốn khoảng 105.000 tỷ đồng; theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Trong đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 25.000 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, khi Vành đai 4 được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác, tình trạng dồn ứ giao thông cục bộ tại một số chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô, cũng như nhu cầu vận tải trên cả 4 hành lang kinh tế khu vực phía Bắc quá cảnh Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để.
Ví dụ như hàng hóa, hành khách từ Lào Cai đi Quảng Ninh, Hải Phòng hay Bắc Giang, Thái Nguyên; Nghệ An, Hà Tĩnh… sẽ không còn phải xuyên tâm qua Hà Nội nữa, dù Thủ đô có phong tỏa các cửa ngõ, Vành đai 3 có tê liệt cũng không tạo nên ảnh hưởng xấu với những luồng lưu thông liên tỉnh, liên vùng vì đã có Vành đai 4 đảm nhận.
“Càng trong các tình huống khẩn cấp, vai trò chức năng của tuyến đường Vành đai 4 càng được thể hiện một cách rõ rệt, vì nó sẽ giúp vận tải liên tỉnh quá cảnh Hà Nội mà không phải đi vào khu vực đô thị trung tâm, tránh các cửa ngõ bị phong tỏa. Như vậy, vừa có thể giúp Hà Nội đảm bảo an toàn, giãn cách xã hội, vừa không gây đình trệ chuỗi cung ứng thông qua loại hình vận tải đường bộ vốn là chủ đạo trong hệ thống giao thông hiện nay” – thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhấn mạnh.
Vành đai 4 chính là lối thoát chiến lược trong những tình huống khó khăn đột biến, đồng thời là huyết mạch quan trọng tăng cường giao thương kết nối của cả vùng Bắc Bộ. Càng sớm đầu tư xây dựng, hiệu quả của Vành đai 4 đối với Hà Nội và Vùng Thủ đô cũng như khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ càng cao. Nhìn từ đại dịch Covid-19 có thể thấy, dự án này là vô cùng cấp bách, cần sự chung tay quyết liệt của Hà Nội cũng như các địa phương liên quan, sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.
“Việc triển khai đầu tư tuyến Vành đai 4 rất quan trọng, bởi nó sẽ kết nối nhiều cụm công nghiệp, khu đô thị 5 tỉnh, thanh phố của vùng Thủ đô. Nếu làm sớm vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa phát huy tác dụng nhanh chóng với kinh tế – xã hội.” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 có thể giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng để phương tiện giao thông liên tỉnh không phải đi xuyên tâm, giảm lưu lượng qua khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô, giảm tải áp lực giao thông cho tuyến đường Vành đai 3 hiện tại. Đặc biệt, tuyến đường sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong khu vực Vùng Thủ đô, từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông các địa phương trong vùng.