Tuyển Việt Nam cần cải thiện những điểm yếu này sau trận thua Thái Lan
Trước khi trận lượt đi bán kết AFF Cup 2020 diễn ra, tuyển Việt Nam rất tự tin có thể hạ Thái Lan để vào chung kết. Nhưng có lẽ vì các tuyển thủ tự tin nên đã dâng quá cao trong một tình huống tấn công, để lại một mình Hồng Duy ở phía dưới. Tiếc rằng, khi phải đối mặt với áp lực lớn, cầu thủ này đã bị trượt chân và tạo cơ hội cho đối thủ có bàn mở tỷ số sớm.
Chính bàn thua đó đã khiến đoàn quân của Huấn luyện viên Park Hang-seo bị mất thế trận cần có, thay vì được chơi phòng ngự phản công sở trường thì tuyển Việt Nam phải chơi tấn công. Và khi bị dẫn trước, tuyển Việt Nam đã mắc sai lầm để cho Chanathip nâng tỷ số lên 2-0 chỉ sau đó ít phút. Chỉ 2 bàn thắng đó thôi nhưng đã nói lên phẩm chất kỹ thuật điêu luyện của một cầu thủ đang chơi bóng ở J-League.
Hoàng Đức (áo trắng) chơi rất hay và phong tỏa thành công đội trưởng Chanathip (số 18). Ảnh: VFF |
Cùng với đó là những quyết định gây bất lợi của trọng tài chính người Oman đã khiến tuyển Việt Nam không có được bàn thắng rút ngắn tỷ số.
Trong trận bán kết lượt về, tuyển Việt Nam đã có thay đổi so với trận bán kết lượt đi, và chính đẳng cấp của Quang Hải đã kiềm tỏa được sự nguy hiểm của Bunmathan, khiến cho cầu thủ này không có tầm ảnh hưởng mạnh như ở trận bán kết lượt đi. Thậm chí, Bunmathan cũng buộc phải phạm lỗi với Quang Hải để ngăn cản một pha lên bóng tấn công nguy hiểm. Nhờ đẳng cấp của Quang Hải mà tuyển Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội hơn trước Thái Lan.
Ngoài ra, còn một cái tên chơi rất hay nữa, đó là Hoàng Đức, một cầu thủ có khả năng điều tiết và cầm bóng rất tốt đã làm lu mờ đội trưởng của Thái Lan là Chanathip Songkrasin. Có thể thấy, Hoàng Đức đi bóng và chơi bóng cũng rất đẳng cấp, đủ khả năng để thay thế cho Hùng Dũng.
Điểm sáng hiếm hoi trong suốt giải đấu năm nay chỉ đến từ hai cá nhân lẻ loi là Quang Hải và Hoàng Đức. Trong khi Quang Hải vẫn giữ được phong độ với những pha xử lý bóng điêu luyện cùng nhãn quan chiến thuật sắc bén thì Hoàng Đức cho thấy sự trưởng thành vượt bậc. Cầu thủ trẻ của Câu lạc bộ Viettel đang ngày càng hoàn thiện trong khả năng cầm nhịp và triển khai bóng.
Sự nỗ lực của các tuyển thủ Việt Nam là rất đáng khen ngợi ở trong cả trận bán kết lượt đi và lượt về. Tuy nhiên, việc không thể ghi được bàn thắng vào lưới Thái Lan đã bộc lộ rất nhiều hạn chế của đội tuyển Việt Nam, nếu muốn trả “món nợ” với người Thái, Huấn luyện viên Park Hang-seo cần phải giúp các học trò cải thiện ngay những điểm yếu.
Đầu tiên là chất lượng ở những pha tấn công biên và tạt vào từ 2 cánh của tuyển Việt Nam đang rất tệ, nó cho thấy khoảng trống lớn mà Văn Hậu và Trọng Hoàng để lại.
Thứ hai, đội tuyển Việt Nam thiếu đi tốc độ. Có thể thấy, những pha lên bóng tấn công của tuyển Việt Nam không đủ nhanh để có thể tạo ra đột biến. Ngay cả khi cướp được bóng ở giữa sân nhưng tuyển Việt Nam cũng không thể triển khai tấn công đủ nhanh mà có xu hướng giữ bóng lại, chờ đợi đồng đội dâng lên. Do đó, yếu tố bất ngờ trong những pha lên bóng tấn công đã không còn nữa.
Thứ ba, khả năng dứt điểm không được tốt. Trong trận bán kết lượt về, Quang Hải và Hoàng Đức đã nhiều lần thực hiện những đường chuyền tinh tế và tạo cơ hội rõ ràng cho đồng đội trong vòng cấm, tiếc rằng những cú sút của Tấn Tài, Hồng Duy… đưa bóng đi thiếu chính xác.
Thứ tư, chơi bóng bổng không tốt. Trong hiệp 1 trận bán kết lượt về, đội tuyển Việt Nam đã cho thấy sự nguy hiểm khi chơi bóng bổng. Điển hình là ở phút 43, pha đánh đầu của Tấn Tài đưa bóng đi chệch cột dọc trong gang tấc. Nhận thấy rõ điều này, Huấn luyện viên Mano Polking đã đưa trung vệ Elias Dolah vào thay cho tiền vệ Thitiphan. Trung vệ này cao tới 1m96 cùng với cầu thủ đá cặp là Manuel Bihr (1m84) đã chiến thắng hầu hết những pha không chiến của đội tuyển Việt Nam.
Những điểm yếu đó sẽ là bài toán khó với thầy Park, bởi để khắc phục thì tuyển Việt Nam cần thời gian và nhân tố con người nữa. Có thể khi Văn Hậu và Trọng Hoàng trở lại, những pha tấn công biên của đội tuyển Việt Nam sẽ nguy hiểm hơn. Thế nhưng, việc tăng tốc độ trong những pha lên bóng tấn công và tìm một trung phong giỏi sẽ không dễ chút nào. Đây chính là vấn đề nan giải nhất của bóng đá Việt Nam từ nhiều năm nay, mặc dù Tiến Linh mới 24 tuổi và có tố nhất của một trung phong cắm thực thụ nhưng để có thể trở thành một trung phong giỏi thì anh còn phải học hỏi tiền đạo Teerasil Dangda của Thái Lan rất nhiều.
Trung Nguyên
Nguồn: Báo lao động thủ đô