Bài 2: “Đặc quyền” của lao động nữ tại doanh nghiệp

Theo ghi nhận, tại nhiều doanh nghiệp, Công đoàn đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc chăm lo sức khỏe cho công nhân lao động, đặc biệt là lao động nữ. Đơn cử như tại Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam, với việc người lao động của Công ty chiếm 90% là nữ đang trong độ tuổi sinh sản, Công đoàn đã thường xuyên phối hợp chuyên môn tổ chức các buổi tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động.

Ông Đoàn Văn Khang, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam cho biết, mỗi buổi tư vấn đều thu hút rất đông lao động tham gia, tại các buổi tư vấn người lao động được trực tiếp bày tỏ những thắc mắc của bản thân và được các chuyên gia y tế tư vấn, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, người lao động của công ty, nhất là lao động nữ luôn được trau dồi kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, giúp đảm bảo sức khỏe để làm việc.

nhung dac quyen cua lao dong nu
Tại nhiều doanh nghiệp, lao động nữ mang thai được làm việc trong tư thế ngồi có ghế tựa lưng.

Tại Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long, ông Tạ Đức Khôi, Chủ tịch Công đoàn Công ty cũng cho biết, Công ty đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo sức khỏe cho người lao động, nhất là lao động nữ. Vì vậy, thời gian qua, ngoài việc tổ chức các buổi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng cho bà bầu, Ban chấp hành Công đoàn Công ty còn phối hợp Công đoàn cấp trên và Quỹ tầm vóc Việt tổ chức các buổi truyền thông cho người lao động về các chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình…

Hằng năm, lao động nữ của Công ty được khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản, lao động nữ trên 35 tuổi được khám ung thư vú và xét nghiệm ung thư cổ tử cung. Đối với lao động nữ có bầu sẽ được hưởng thêm các quyền lợi như: Được làm việc trong tư thế ngồi có ghế tựa lưng; được nghỉ thêm 10 phút/ngày được tính thêm vào giờ làm việc; có thai 13 tuần được bồi dưỡng thêm 01 hộp sữa tươi tiệt trùng 180 ml/ngày; có thai từ tháng 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được đi làm giờ hành chính…

Chia sẻ về những ấn tượng đối với các hoạt động chăm lo cho người lao động của Công đoàn Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long, chị Nguyễn Thị Phương Mai, công nhân Tổ sản xuất hành chính cho biết: “Trong suốt thời gian làm việc, người lao động chúng tôi luôn được Công ty và Công đoàn quan tâm, chăm lo cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Được thăm hỏi, hỗ trợ khi gặp hoàn cảnh khó khăn, được tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao, các buổi tuyên truyền, tập huấn về nhiều lĩnh vực… Đặc biệt, chúng tôi được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo Bộ luật Lao động, thậm chí lao động nữ còn được hưởng nhiều quyền lợi cao hơn luật như: Khi có thai trên 3 tháng được bồi dưỡng thêm 01 hộp sữa, có thai trên 7 tháng hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được đi làm giờ hành chính, được tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất…”.

“Ấn tượng nhất với tôi về các hoạt động chăm lo cho người lao động của Công đoàn Công ty là người lao động được tham gia các buổi tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Qua các buổi tập huấn đó, chúng tôi được các chuyên gia về sức khỏe tuyên truyền kiến thức và kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ví như: Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khi mang thai như thế nào, làm thế nào để tránh trầm cảm sau sinh… Ngoài ra, chúng tôi cũng được trực tiếp giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe để thêm kiến thức để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và đảm bảo sức khỏe để lao động sản xuất”, chị Mai bày tỏ.

chu trong cham lo cho lao dong nu
Lao động nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội được thăm khám sức khỏe miễn phí (Ảnh chụp thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Cùng với sự chủ động của các Công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo sức khỏe cho lao động nữ, hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đợt tư vấn khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hàng nghìn lao động nữ.

Tại các đợt thăm khám sức khỏe, lao động nữ đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội… thăm khám sức khỏe miễn phí với nhiều nội dung như: Khám nội, điện tim, khám mắt, khám tai mũi họng, khám sản phụ khoa; khám lâm sàng phát hiện sớm ung thư, phát thuốc miễn phí (cho các trường hợp phải điều trị bệnh)…

Ngoài ra, lao động nữ cũng đã được các chuyên gia y tế truyền thông những chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thông qua việc thường xuyên triển khai các hoạt động thăm khám, tư vấn, truyền thông nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người lao động đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo ngày càng tốt hơn của các cấp Công đoàn và chủ doanh nghiệp đối với người lao động, nhất là trong bối cảnh đa số người lao động không có điều kiện đến các cơ sở y tế để thăm khám sức khỏe. Qua đó, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động của người lao động.

Chị Nguyễn Thùy Linh, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ: “Hàng năm, vào Tháng Công nhân, lao động nữ chúng tôi đã được tham gia buổi thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí và truyền thông kiến thức về sức khỏe sinh sản do Công đoàn tổ chức ngay tại khu công nghiệp. Tại đó, chúng tôi được các bác sỹ khám sản phụ khoa, khám lâm sàng phát hiện sớm ung thư, siêu âm tổng quát…, được tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Với công nhân lao động chúng tôi, những buổi thăm khám sức khỏe miễn phí này rất có ý nghĩa, vừa giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí khám mà lại biết được tình trạng sức khỏe của bản thân để yên tâm làm việc. Mong rằng, người lao động, đặc biệt là lao động nữ sẽ tiếp tục được quan tâm, chăm lo, hỗ trợ để chúng tôi yên tâm lao động, sản xuất”.

Phải khẳng định rằng, người lao động, đặc biệt là lao động nữ đang ngày càng được quan tâm, chăm lo, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng. Điều đó không chỉ được thực hiện từ phía chủ doanh nghiệp mà còn là sự vào cuộc chủ động, tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền địa phương… Nhờ vậy, người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Mai Quý

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích