”Mặc áo” mới cho ao hồ Thủ đô: Để ”lá phổi xanh” trong lành hơn

Thủ đô Hà Nội sở hữu hàng chục hồ tự nhiên,đó là những di sản vật thể quý giá gắn với nhiều sự kiện lịch sử của kinh kỳ, nếu không được quản lý khoa học và bảo vệ, hậu quả sẽ rất đáng tiếc.

mac ao moi cho ao ho thu do de la phoi xanh trong lanh hon
Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành, diện tích chừng 500ha, nhìn từ góc độ này hồ Tây giống như lá phổi lớn mang lại bầu không khí trong sạch cho Thủ đô. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Ao hồ ở Hà Nội không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan sinh thái mà ẩn chứa trong nó là văn hóa của người Tràng An.

Có nhiều hồ được gắn liền với các đình chùa như: hồ Gươm, hồ Tây và trở thành các địa điểm văn hóa tâm linh quan trọng của Hà Nội.

Những hồ này không chỉ là di sản vật thể mà còn gắn với di sản phi vật thể với những truyền thuyết dân gian và ký ức về nhiều sự kiện lịch sử của vùng đất kinh kỳ hàng nghìn năm tuổi.

Do đó, sau khi xây dựng cải tạo lại ao, hồ nhiều địa phương của Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị của ao hồ, phục vụ đời sống của người dân khu vực.

Cũng từ đây, người dân và chính quyền Thủ đô thấy rằng, nếu thiếu đi sự quan tâm thường xuyên, ao hồ có thể tiếp tục bị ô nhiễm mà nhận hậu quả chính là con người.

Vì thế, giúp “lá phổi” khỏe mạnh hơn, trong thời gian tới cần phải có cơ chế rõ ràng hơn trong quản lý và bảo vệ ao hồ .

Chung sức đồng lòng bảo vệ ao hồ

Nhằm nâng cao ý thức của các cấp chính quyền và nhất là người dân trong bảo vệ môi trường, Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.”

Từ chủ trương trên, nhiều cấp ngành, địa phương của Hà Nội đã có những việc làm thiết thực để bảo vệ ao hồ, cải tạo môi trường.

Hồ sinh thái Lâm Du, phường Bồ Đề, Long Biên (Hà Nội) nay được khoác “chiếc áo mới” với bờ kè, đường dạo, ghế đá xung quanh sạch, đẹp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bồ Đề Nguyễn Văn Luyện vào những ngày trọng đại của đất nước, các tổ dân đã tự bảo nhau sắm đèn trang trí giúp không gian hồ lung linh hơn khi đêm xuống.

Ngoài ra, người dân còn trồng hoa xung quanh hồ, thả bè thủy sinh và lắp thêm đài sen phun nước, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng cảnh sắc ở hồ.

“Chính quyền đã khích lệ sự tự giác của cộng đồng trong bảo vệ hồ, là bảo vệ chính cuộc sống của người dân,” ông Nguyễn Văn Luyện chia sẻ.

Tham gia vào câu chuyện bảo vệ hồ, Lê Thị Nhung, Chi hội trưởng phụ nữ số 2, Láng Thượng, (Đống Đa) bộc bạch: “Chúng tôi vừa thực hiện làm đẹp cảnh quan, quanh hồ, đồng thời tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư nói chung và hồ ao hồ nói riêng.”

Còn Trưởng thôn 3 Vũ Quang Tuân, Trung Mầu (Gia Lâm) thông tin, sau khi chính quyền xã đầu tư kè ao vào năm 2019, nhiều gia đình trên địa bàn đã ủng hộ cây xanh và ghế đá tạo dựng không gian vui chơi hoàn chỉnh, sạch đẹp.

“Điều đáng mừng là ai cũng có ý thức giữ gìn ‘lá phổi xanh’ của thôn ngày càng sạch đẹp hơn.”

Ở quy mô rộng hơn, từ nhiều năm nay, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã duy trì phong trào “ngày cuối tuần xanh.”

mac ao moi cho ao ho thu do de la phoi xanh trong lanh hon
Hồ Ba Mẫu nằm cạnh đường Lê Duẩn thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì, hưởng ứng phong trào trên, từ lãnh đạo huyện đến các xã, thôn sẽ dành một buổi vào cuối chiều cuối tuần để thực hiện việc thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, trồng lại cây xanh.

Trong đó, phong trào đặc biệt trú trọng đến việc làm sạch các kênh mương, ao hồ với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu.”

Kết quả điển hình từ phong trào “ngày cuối tuần xanh” là gần 2.000m khối rác thải tại khúc sông Tô Lịch qua Thanh Trì đã được dọn dẹp, xử lý, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường.

Còn những đoạn bờ sông bị sạt lở đã được xây kè, trồng hoa, làm khu vui chơi cho người dân, vẻ đẹp vốn có của con sông Tô Lịch đang dần trở lại.

Không chỉ ngoại thành, cùng chung ý chí giữ môi trường hồ nước trong sạch, tại các quận nội đô như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng, từ nhiều năm nay đã đi đầu trong xây dựng kế hoạch chỉnh trang, cải thiện môi trường mặt nước, quang cảnh xung quanh các hồ.

Điển hình, phường Trúc Bạch (Ba Đình) đã biến đoạn “mương thối” dài khoảng 200m tính từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2, thành điểm du lịch.

Với tinh thần “lấy xây để chống,” quận Ba Đình đã cho phép phường Trúc Bạch, huy động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với ngân sách thực hiện nạo vét rác thải trong mương, bờ lát gạch tự chèn. Phía bờ tường nhà dân tiếp giáp với mương được sửa chữa lại và vẽ lên đó nội dung bảo vệ môi trường, phong cảnh dân gian.

Buổi tối, đoạn mương được thắp điện và đèn lồng, giúp đẹp mắt hơn.

Cần khung pháp lỹ rõ ràng về quản lý ao hồ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 -2025 đã xác định phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô.

Từ tinh thần trên cho thấy, việc giữ gìn Thủ đô xanh, sạch, đẹp được đặt lên một tầm cao mới, đòi hỏi phải có sự quyết tâm của các cấp chính quyền cũng như đông đảo người dân.

Thế nhưng để làm được điều trên, riêng về phần ao hồ và không gian mặt nước, thành phố cần thiết phải có cơ chế và khung pháp lý rõ ràng hơn.

mac ao moi cho ao ho thu do de la phoi xanh trong lanh hon
Hồ Thủ Lệ rộng 8,7ha, là một trong những hồ đẹp của thủ đô, giữa hồ là dải đất lớn hình oval giống giọt nước mắt, từ đó mới có cái tên Thủ Lệ, hàm ý giữ lấy giọt lệ ở bên trong. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo Giáo sư-Tiến sỹ nhà giáo nhân dân Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường trực thuộc Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, bảo vệ ao hồ không thể chỉ đơn thuần áp dụng một phương pháp mà phải là hài hòa giữa quy chế quản lý với biện pháp công nghệ.

Trước hết, thành phố cần tách riêng hệ thống nước thải và chỉ để nước mưa chảy vào hồ, có hệ thống quan trắc chất lượng nước hồ thường xuyên sau đó xử lý mùi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường kết hợp giao cho các đoàn thể địa phương quản lý môi trường nước hồ.

Trao đổi với TTXVN bà Nguyễn Ngọc Lý, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu ra một thực tế, hiện nay mỗi hồ thường có 3 đơn vị quản lý chính: Công ty cấp thoát nước quản lý nước hồ và lòng hồ, Công ty công viên cây xanh quản lý cây xanh ở hành lang bờ, Công ty môi trường đô thị chịu trách nhiệm về vệ sinh xung quanh bờ.

Các công ty này làm việc qua hợp đồng giao nhiệm vụ của Sở Xây dựng, quận hoặc phường trực thuộc tùy theo phân cấp của mỗi hồ.

Công tác quản lý của mỗi đơn vị được thực hiện biệt lập, bị động, phụ thuộc vào ý thức của người dân và cộng đồng xung quanh nên giảm hiệu quả bảo vệ nên bà Lý cho rằng cần thiết phải có chế tài và khung pháp lý rõ ràng hơn về bảo vệ hồ mới giúp hồ, ao Hà Nội “khỏe” hơn được.

Liên quan đến công tác quản lý, Giáo sư-Tiến sỹ nhà giáo nhân dân Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, cho biết về kinh nghiệm của Nhật Bản là giao thẳng ao hồ cho địa phương quản lý.

Các ngành chức năng chỉ căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn, giám sát địa phương thực hiện trong quản lý hồ. Với cách thức trên, không còn cồng kềnh bộ máy, tránh được tình trạng ao hồ rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc.”

Không gian mở hòa với cộng đồng

Nhìn nhận dưới góc độ quy hoạch, kiến trúc Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Nam, khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng nêu quan điểm, thành phố cần thiết chỉ đạo chủ các khu đô thị không “bó cứng” không gian mặt nước mà cần “mở” ra, tạo sự thuận lợi về giao thông để mọi người tiếp cận hưởng lợi không gian công cộng từ hồ nước, cảnh quan chung.

Đi sâu phân tích, vị chuyên gia cho rằng, cần khống chế chiều cao các công trình xây dựng, theo dạng “lòng chảo,” lõm về phía mặt nước để bảo vệ sự thông thoáng của không gian hồ, biến hồ nước thành điểm đến du lịch riêng có của Hà Nội.

Liên quan đến không gian “mở” của ao hồ, ông Đỗ Đức Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm) kiến nghị, hồ B đã được giữ lại. Nhưng hiện tại chỉ phục vụ dân cư cho chính khu đô thị. Còn dân cư, làng xóm xung muốn tiếp cận không gian hồ trong khu đô thị là rất khó.

“Nếu như vậy, hiệu quả của hồ và không gian mặt nước sẽ bị giảm tác dụng, mong thành phố tháo gỡ ‘ngăn sông cấm chợ’ vì đây là thực trạng chung của hầu hết các khu đô thị,” ông Thông trăn trở.

Còn trở lại Gia Lâm (Hà Nội) để không bị “bó cứng,” sau khi cải tạo, huyện “mệnh lệnh” cho các địa phương phải khơi gợi các hoạt động văn hóa tinh thần liên quan đến ao hồ, không gian mặt nước.

Tiếp thu tinh thần trên, vào các ngày lễ, tết xã Trung Mầu (Gia Lâm) thường tổ chức sới vật truyền thống ngay trên ao Cầu.

Người dân đứng xung quanh ao xem và cổ vũ các đô vật tỷ thí, khơi gợi nét đẹp văn hóa, tinh thần thượng võ của dân tộc. Cũng từ sới vật trên ao làng, giúp tình yêu môn vật thấm đẫm từ thế hệ này tới thế hệ khác ở Trung Mầu.

Bí thư-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, thời gian qua, nhiều xã xin ý kiến của huyện về việc mở một số câu lạc bộ thơ, văn hóa văn nghệ gắn với ao làng.Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên chưa thể ra mắt.

“Chỉ khi ao làng gắn được với nét sinh hoạt thường nhật và bản sắc của một vùng thì người dân mới bảo vệ, giữ gìn ao. Đó mới là thành công trong việc cải tạo ao hồ,” ông Quân bày tỏ.

Cùng với những cách làm trên, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian qua chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư bổ sung vào quy hoạch một số hồ, không gian mặt nước tại những khu đô thị đang chuẩn bị hình thành.

Từ đó cho thấy, Hà Nội quan tâm đến việc cải tạo môi trường sống cho người dân từng ngày để hướng tới phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích