Tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất nên tiêm mũi 2 bằng loại đó

Tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất nên tiêm mũi 2 bằng loại đó

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào nên tiêm mũi 2 bằng loại đó. Nếu tiêm vaccine AstraZeneca thì chỉ nên kết hợp với Pfizer.

Vaccine AstraZeneca chỉ nên kết hợp với vacine Pfizer

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 6030/BYT-DP về việc hướng dẫn tiêm 2 liều vaccine phòng Covid-19 gửi dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương); các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công văn nêu rõ, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17 triệu liều vaccine Covid-19 bao gồm: Vaccine của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.

Thực hiện chiến lược tiêm chủng của Chính phủ, từ tháng 3/2021 đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 6.959.197 liều, trong đó, tiêm mũi 1 là 6.246.333 liều, tiêm mũi 2 là 712.864 liều. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau.

Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, hiện đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vaccine của AstraZeneca và mũi 2 là vaccine do Pfizer sản xuất cho thấy, đáp ứng miễn dịch tốt, tuy nhiên có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng. Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine từ các nguồn khác nhau, theo kinh nghiệm sử dụng vaccine của một số quốc gia, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế hướng dẫn, những người đã tiêm mũi 1 với loại vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng loại đó.

Tiem-Vaccine-COVID-1

Tiêm vacine là cách phòng dịch tốt nhất (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Y tế, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vaccine do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do AstraZeneca sản xuất (nếu người được tiêm chủng đồng ý), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8 – 12 tuần. Không sử dụng vaccine do Moderna sản xuất hoặc các vaccine khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca.

Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vaccine cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bộ Y tế cũng yêu cầu, dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương xây dựng hướng dẫn tiêm chủng đối với từng loại vaccine; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Các bệnh viện và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế cấp huyện, các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp với số vaccine được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm tiêm đủ liều, an toàn, đúng lịch, diện bao phủ rộng.

Tại sao phải theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút tại điểm tiêm chủng?

Nguyên tắc vàng trong tiêm chủng là tất cả mọi người cần ở lại theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi, vì đây là khoảng thời gian có thể xuất hiện các phản ứng sớm và nặng như phản ứng phản vệ.

Phản ứng phản vệ là phản ứng nghiêm trọng của cơ thể khi tiếp xúc đối với một kháng nguyên, có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiêm. Tuy nhiên, một số trường hợp phản ứng phản vệ có thể xảy ra sau 30 phút hoặc lâu hơn kể từ khi tiêm chủng. Do đó, nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như khó thở, thở nhanh hay ngắt quãng, thở khò khè, da mẩn đỏ, sưng phù mi mắt, môi, nôn ói, đau bụng hay tiêu chảy… cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để xử trí kịp thời.

Tại sao phải theo dõi phản ứng thêm 24 – 48 giờ tại nhà sau tiêm chủng?

Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ trong vòng 30 phút sau tiêm, một số phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm sẽ tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vaccine như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là phản ứng phản vệ sau tiêm. Chính vì vậy sau khi tiêm vaccine, ngoài việc ở lại điểm tiêm theo dõi 30 phút thì trẻ em và người lớn cần theo dõi phản ứng sau tiêm tại nhà trong khoảng 24 – 48 giờ.

“Trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vaccine thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine nhưng có người có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả những người khác hoàn toàn bình thường. Đó có thể là do phản ứng cơ địa của từng người với vaccine, kỹ thuật tiêm chủng hoặc do bệnh lý nền sẵn có của người được tiêm chủng trùng hợp ngẫu nhiên với biến cố sau tiêm chủng chứ không phải do chất lượng vaccine. Vì vậy, việc theo dõi tình trạng sức khỏe phản ứng riêng của từng người sau tiêm chủng là đặc biệt quan trọng trong an toàn tiêm chủng”, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh cho biết.

Thông thường, sau tiêm chủng, người được tiêm/uống vaccine thường gặp một số phản ứng như sốt nhẹ dưới 38 độ C. Lúc này, phụ huynh/người thân cần cho người được tiêm uống nhiều nước, lau mát bằng nước ấm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, mặc quần áo và nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38 độ, trẻ có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc có tiền sử sốt cao co giật…

Đối với phản ứng tại chỗ như đỏ, sưng tấy tại chỗ tiêm, thường sẽ tự khỏi trong vài ngày hoặc 1 tuần. Chườm lạnh có thể giúp giảm đau, giảm sưng; tuyệt đối không chườm nóng, xoa dầu, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.

Đối với những biểu hiện lạ sau tiêm chủng cần nhanh chóng đưa ngay người được tiêm/uống vaccine đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe:

Biểu hiện phản ứng phản vệ sau tiêm gồm kích thích, vật vã, nổi mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở, nghẹt thở; đau quặn bụng, tiêu tiểu không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật.

Phản ứng mẫn cấp tính, thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm chủng với một số biểu hiện như thở khò khè, ngắt quãng do co thắt khí phế quản và thanh quản, phù nề thanh quản; phát ban, phù nề ở mặt hoặc phù nề toàn thân.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích