Bạc Liêu: Năng suất trở thành động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực

Mục tiêu chung của Kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.

Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất và dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh.

 Ảnh minh họa.

Cụ thể của Kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất và chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã; Hỗ trợ ít nhất 02 doanh nghiệp/năm áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh; góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế.

Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tại địa phương; áp dụng các giải pháp mới, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp; hỗ trợ khai thác, phát triển và thương mại hóa các sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp; vận động, hỗ trợ ít nhất 05 doanh nghiệp tham gia và đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó có ít nhất 01 doanh nghiệp đạt Giải Vàng chất lượng quốc gia; hỗ trợ, tăng cường năng lực cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Bạc Liêu hình thành 01 tổ chức đánh giá sự phù hợp để phục vụ cho việc đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh; góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm và mục tiêu đóng góp của khoa học và công nghệ thông qua TFP, đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Về các nhiệm vụ và giải pháp, đánh giá năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của tỉnh, thực trạng quản lý chất lượng của doanh nghiệp và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về năng suất và chất lượng; Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng; Tăng cường năng lực cho hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tạo đột phá trong nâng cao năng suất và chất lượng.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích