Du lịch cộng đồng – hướng đi bền vững cho du lịch xứ Lạng

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ đậm hương vị miền núi là những lợi thế riêng có để Lạng Sơn phát triển mô hình cộng đồng.

du lich cong dong huong di ben vung cho du lich xu lang
Du khách đến với Điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm tại thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh cùng các di tích lịch sử văn hóa.

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển góp phần thúc đẩy ngành du lịch Lạng Sơn phát triển và chuyển hướng sau khi du lịch biên mậu, mua sắm thoái trào. Trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình làng du lịch cộng đồng, điểm du lịch lưu trú hình thành. Chất lượng phục vụ khách du lịch được nâng cao, người dân hưởng lợi từ ngành công nghiệp không khói này.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết phản ánh về nội dung trên.

Bài 1: Những lợi thế sẵn có

Ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Ải Chi Lăng, núi Mẫu Sơn, Thành cổ Lạng Sơn, Thành nhà Mạc, động Tam Thanh…, Lạng Sơn còn có nền văn hóa phong phú của các dân tộc thiểu số. Trong thời gian các hoạt động du lịch bị “đóng băng” do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Lạng Sơn tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, sẵn sàng phục vụ du khách khi dịch bệnh được kiểm soát.

Vẻ đẹp thiên nhiên miền núi xứ Lạng

Du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn được đánh giá cao bởi địa phương này có nhiều phong cảnh đẹp, thiên nhiên đa dạng, hoang sơ, người dân bản địa thân thiện, nền văn hóa độc đáo, đặc sắc.

“Thung lũng Bắc Sơn” là địa chỉ không còn xa lạ với những người đam mê du lịch và nhiếp ảnh. Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 100km theo Quốc lộ 4B, Bắc Sơn hội tụ nhiều vẻ đẹp mà không phải nơi nào cũng có được. Chính vì vậy, ngành du lịch Lạng Sơn đang tập trung xây dựng nơi đây trở thành mắt xích, điểm nhấn quan trọng với tour du lịch ngắn ngày và kết nối điểm du lịch của các tỉnh ở khu vực Đông Bắc.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn hiện còn hàng trăm nóc nhà sàn lợp ngói âm dương của đồng bào dân tộc Tày. Từ những năm 2000, người dân sở tại đã manh nha làm du lịch cộng đồng. Đến nay, loại hình du lịch này phát triển, với gần 10 hộ kinh doanh, nhiều hộ có thể đón tiếp hàng chục khách du lịch “đặt chỗ” cùng lúc.

Đặc biệt, tháng 9/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn công nhận thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng là điểm du lịch cộng đồng. Tại đây, 5 hộ gia đình được công nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch homestay. Điểm du lịch này kỳ vọng mở ra hướng phát triển cho du lịch Bắc Sơn và đóng góp tốt hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tại huyện Bình Gia, ngoài điểm du lịch thác Đăng Mò, địa phương đang tập trung khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng ở thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa. Nằm cách trung tâm huyện Bình Gia khoảng 50km, Lân Luông có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hệ thống đồi núi trùng điệp, nổi bật nhất là núi Nàng Tiên với thảm cỏ trải dài bất tận, xen lẫn các “cụm” đá vôi, cây bụi tạo nên một không gian độc đáo.

Bên cạnh đó, đồng bào Dao nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như ở nhà sàn, thêu dệt trang phục dân tộc, bài thuốc nam, lời ca, điệu múa đặc sắc… Hiện, 5 hộ gia đình trên địa bàn đã đăng ký tham gia mô hình du lịch cộng đồng.

Chị Nguyễn Quỳnh Nga, du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ không giống như những nơi khác, du lịch ở Lân Luông rất hoang sơ, mới lạ và đậm bản sắc dân tộc. Chị cùng bạn được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân bản địa. Chị Nga mong muốn Lạng Sơn phát triển thêm những địa chỉ du lịch giàu bản sắc văn hóa dân tộc như thế này để khách du lịch tới thưởng lãm.

Lạng Sơn hiện có 5 làng du lịch cộng đồng cùng nhiều điểm du lịch sinh thái, lưu trú nằm trải khắp các địa phương trong tỉnh. Trong thời gian các hoạt động du lịch bị ngừng trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các công ty, đơn vị du lịch tổ chức khảo sát tour, tuyến kết nối du lịch tại một số địa phương trên địa bàn đánh giá thực trạng và lên kế hoạch xây dựng, quảng bá khi dịch được kiểm soát.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, cho biết những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng ở các xã Hữu Liên, Hữu Thịnh (huyện Hữu Lũng), điểm du lịch suối Mỏ Mắm, làng văn hóa Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn)…

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ đậm hương vị miền núi của đồng bào dân tộc thiếu số là những lợi thế riêng có để Lạng Sơn phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Tăng thu từ du lịch

Tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, nói đến anh Ngô Ất Mão ai cũng biết bởi anh là người tiên phong trong xây dựng dịch vụ “nhà nghỉ lưu trú homestay.”

Năm 2018, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, anh Mão mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng “nhà nghỉ lưu trú homestay” tại ngôi nhà sàn của mình, với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Cơ sở lưu trú này duy trì việc làm thường xuyên cho một số lao động trong xã.

Anh Mão cho biết những năm trước, qua các đơn vị lữ hành, gia đình đón tiếp nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế. Trừ hết các khoản chi phí, gia đình thu về gần 100 triệu đồng/năm từ dịch vụ này. Dù dịch bệnh đang ảnh hưởng đến lượng khách nhưng anh vẫn tiếp tục theo đuổi mô hình này.

Trong thời gian ít khách, anh đầu tư, sửa chữa nhiều đồ dùng, hạng mục sẵn sàng phục vụ du khách khi dịch được kiểm soát.

Năm 2018, anh Dương Công Trọng ở thôn Nà Riềng, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn quyết định đầu tư 300 triệu đồng mở dịch vụ nhà nghỉ du lịch cộng đồng tại chính ngôi nhà của mình, với không gian đậm chất dân tộc Tày, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách.

du lich cong dong huong di ben vung cho du lich xu lang
Thôn Hoan Trung xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, mới được công nhận là điểm du lịch cộng đồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau thời gian gây dựng, homestay nhà sàn 3 gian của anh Trọng là địa chỉ có tiếng, được chính quyền địa phương công nhận, nhiều khách du lịch trong và ngoài nước “truyền tai nhau” tới lưu trú.

Với việc mở dịch vụ lưu trú, anh Dương Công Trọng có thêm nguồn thu tương đối cho gia đình, đồng thời tạo việc làm thời vụ cho 3 lao động địa phương.

Anh Dương Công Trọng cho biết để thu hút khách du lịch và đảm bảo yêu cầu an toàn trong lưu trú, gia đình chủ động sửa sang lại nhà sàn, mua sắm vật dụng thiết yếu, xây dựng sân, vườn phù hợp, đồng thời lắp đặt thêm thiết bị công nghệ…

Bà Đỗ Thị Loan, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Sơn cho hay Bắc Sơn có 3 điểm du lịch cộng đồng, với 18 hộ tham gia kinh doanh loại hình lưu trú homestay, trong đó nhiều hộ có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều người dân tham gia làm dịch vụ du lịch, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nhàn rỗi, qua đó tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản địa phương, đồng thời quảng bá ngành nghề truyền thống đặc sắc vùng dân tộc thiểu số sở tại.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, giai đoạn 2015-2020, tỉnh đón khoảng 14,8 triệu lượt khách, doanh thu bình quân ước đạt 4.800 tỷ đồng. Ngành du lịch Lạng Sơn kỳ vọng đến năm 2025 sẽ đón 4,4 triệu lượt khách, doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng, đóng góp 6,8% GRDP của tỉnh./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích