Những cuốn sách nổi bật tháng 12 của Nhã Nam

(Xây dựng) – Trong tháng 12, sách tiểu thuyết giả tưởng, sách địa chính trị là những loại hình được độc giả chú ý và gọi tên nhiều nhất, tiêu biểu là: “Chia rẽ – Tại sao chúng ta đang sống trong thời đại của những bức tường”, “Xứ Cát” và “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”.

nhung cuon sach noi bat thang 12 cua nha nam
Chia rẽ – cuốn sách địa chính trị đầy cảm hứng từ Tim Marshall.

“Chia rẽ” tập trung vào những lằn ranh chia cắt sẽ định hình thế giới của chúng ta trong những năm sắp tới. Cuốn sách mang lại cho người đọc cái nhìn cận cảnh về những vấn đề địa chính trị toàn cầu và nhắc nhở ta về tầm quan trọng của địa lý trong các vấn đề quốc tế.

Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều hình ảnh về những bức tường bê tông, tường sắt lạnh lẽo đầy căng thẳng khắp xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Marshall nhận định việc mở rộng tự do giữa các nước đang dần bị thay thế bởi “não trạng pháo đài”. Bằng chứng cho thấy, các quốc gia từ Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Palestine đến Mỹ và Anh đều đang phản ứng mạnh mẽ với toàn cầu hoá. Tất cả phải đối mặt với thách thức từ làn sóng di cư bất hợp pháp; xung đột tôn giáo; xói mòn văn hóa bản địa; mối đe dọa từ khủng bố… và cách nhanh nhất để duy trì ý thức về bản sắc dân tộc chính là dựng lên hàng dặm các bức tường.

Marshall đã viết một cách thẳng thắn về những vấn đề nan giải của mỗi quốc gia và sự chia rẽ trên toàn thế giới. Mặc dù những bức tường đại diện cho những bất đồng mà rõ ràng là con người rất khó vượt qua, ông vẫn giữ lại niềm hy vọng tích cực trước tình hình này. Bởi con người bình đẳng với nhau và lịch sử thì chứa đựng vô số khả năng. Trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, vẫn có triển vọng lịch sử sẽ lại xoay hướng về phía đoàn kết và thống nhất.

nhung cuon sach noi bat thang 12 cua nha nam
Xứ Cát – tiểu thuyết khoa học giả tưởng bán chạy nhất mọi thời đại đã trở lại với bạn đọc Việt Nam sau 11 năm vắng bóng.

Đã 56 năm trôi qua kể từ ngày kiệt tác khoa học viễn tưởng “Xứ Cát” ra đời, tầm vóc của tác phẩm không những không hề suy chuyển mà còn ngày một vĩ đại. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên năm 1965, đã giành được giải thưởng văn học danh giá Nebula (1965) và Hugo (1966), có mặt trong danh sách Big Read do độc giả BBC bầu chọn lẫn danh sách The Modern Library 100 Best Novels của độc giả Mỹ bầu chọn.

“Xứ Cát” được coi trọng đến mức khi nhắc đến kiệt tác này, người ta lại nhắc đến tên “Chúa tể của những chiếc nhẫn” và “Chiến tranh giữa các vì sao”. Cũng như những bộ tiểu thuyết giả tưởng vĩ đại nhất, “Xứ Cát” mang trong mình một vũ trụ rất phức tạp, trong đó từng khái niệm đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đây là một thiên sử thi vĩ đại và hùng tráng về những mưu mô chính trị hòng tranh giành quyền lực vũ trụ, về mối quan hệ giữa con người và sinh thái và sự ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo tới tín ngưỡng của nhân loại.

Lấy bối cảnh tương lai nhân loại sau hai mươi nghìn năm nữa, nơi loài người đã rải ra sinh sống trên nhiều hành tinh khác nhau, chia làm nhiều gia tộc và có nhà nước cũng như thể chế của riêng mình, cuốn sách tập trung vào cuộc chiến giành quyền lực của Gia tộc Arrakis, giữa những mưu mô hiểm ác của gia tộc Harkonnen và Hoàng đế Padishah.

Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết tranh quyền đoạt vị đơn thuần, “Xứ Cát” bước lên một tầm cao mới bằng việc trở thành một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên đề cập đến yếu tố tôn giáo.

nhung cuon sach noi bat thang 12 cua nha nam
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – tiểu thuyết về quá trình một người nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ.

Tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong nhìn nhận vai trò của người mẹ và người bà, những người đã nuôi Vuong khôn lớn.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được viết dưới dạng những bức thư của một người con trai gửi cho người mẹ không biết chữ. Nhân vật chính, Chó Con, khi đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, kể lại cho mẹ những mẩu chuyện nhỏ, xen kẽ với những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý, và những bài thơ. Cuốn sách kể câu chuyện đời không chỉ của Chó Con từ thuở ấu thơ đến lúc chớm trưởng thành, mà là cả ba thế hệ: từ bà, đến mẹ, đến cậu, một cuộc di cư kéo dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ. Chính ảnh hưởng từ họ – những người phụ nữ can trường, chai sạn, bị vắt kiệt bởi chiến tranh – đã hình thành nên xương sống của cuốn tiểu thuyết và đặt ra câu hỏi cốt lõi: chúng ta yêu thế nào sau bao đau thương?

Cuốn sách là những trải nghiệm chấn thương sau chiến tranh được truyền qua nhiều thế hệ, những đau đớn khi trở thành một người tị nạn da vàng ở một quốc gia da trắng, nỗi tuyệt vọng do nghèo đói mang lại và nỗi khao khát được khẳng định giới tính kỳ lạ trong một nền văn hóa có nhiều hình phạt.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích