Bình Định: Du lịch xanh trên cổng trời An Lão

(TN&MT) – Huyện vùng cao An Lão có một nơi được gọi là cổng trời An Toàn có điều kiện thuận lợi về tài nguyên khí hậu, rừng nguyên sinh, văn hóa lịch sử để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, khám phá vùng đất An Lão.

Tiềm năng du lịch cộng đồng

An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định cách quốc lộ 1A 32 km, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn hơn 120 km. Tổng diện tích tự nhiên 69.202 ha; có khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiều đồi núi, thác nước, dòng suối, rừng và rừng nguyên sinh An Toàn. An Lão có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Hre và Bana có bề dày về văn hóa và lịch sử.

Đường vào thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão

Danh lam thắng cảnh tại An Lão phải kể đến thủy điện Sông Vố, km số 7 đến km số 10 – xã An Quang, thác Đá Ghe, thác Long Vo – xã An Hưng, hồ Hưng Long – xã An Hòa, rừng đặc dụng gắn với làng văn hóa du lịch xã An Toàn. Di tích lịch sử, văn hóa có Khu di tích Chiến thắng An Lão, di tích Trường Lũy, Khu Tượng đài Chiến thắng An Lão, Anh hùng LLVTND Liệt sĩ Đinh Ruối, vụ thảm sát Đá Bàn.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của bà con thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão

Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống mạng đậm bản sắc của người dân tộc Hre, Bana của huyện An Lão khá đa dạng như: Lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, kiến trúc văn hóa nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những điệu xoan, hơ mon, hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, tơ rưng đặc biệt là văn hóa cồng chiêng xã An Toàn.

Những món ăn treo gác bếp đặc trưng của người đồng bào

Riêng với xã An Toàn nơi được gọi là cổng trời rất thuận lợi về tài nguyên khí hậu, tài nguyên rừng nguyên sinh, tài nguyên văn hóa. Với điều kiện thiên nhiên, lịch sử hiện có và những công trình xây dựng trong thời kỳ đổi mới mở ra nhiều tiềm năng du lịch rất lớn để khai thác du lịch cộng đồng.

Lãnh đạo Sở Du lịch cùng cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện An Lão, giáo viên và các hộ dân tham gia tập huấn du lịch cộng đồng tại thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Chung – Phó Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của huyện An Lão, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Du lịch xây dựng định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc tỉnh (gồm thị xã Hoài Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão) với mục tiêu đảm bảo cho công tác triển khai có hiệu quả, chặt chẽ, nhất quán và mang lại tác động lớn thông qua hoạt động khai thác những nguồn tài nguyên vị thế, tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư và được phê duyệt tại Quyết định số 1538, ngày 09/5/2019.

Tại thôn 1, xã An Toàn đã có homestay phục vụ khách du lịch

Bà Nguyễn Thị Kim Chung tiếp lời: Để từng bước phát triển du lịch huyện An Lão nói chung và xã An Toàn nói riêng, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện An Lão tổ chức lớp “Tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình tham gia phát triển du lịch” tại thôn 1, xã An Toàn. Qua 5 buổi tập huấn do các giáo viên của Khoa Du lịch và Dịch vụ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn hướng dẫn, các hộ tham gia du lịch cộng đồng sẽ có những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi thực hiện các hoạt động du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.

Đường thôn 1 xã An Toàn hoa nớ khoe sắc

Bởi vậy mà huyện vùng cao An Lão nói chung và xã An Toàn nói riêng nhiều năm qua rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn thôn, xóm, làng văn hóa xanh – sạch – đẹp theo nếp sống mới. Điều chúng tôi khá bất ngờ, con đường trong thôn 1, xã An Toàn sạch sẽ, hai bên đường cây xanh, hoa nở khoe sắc. Cách mỗi vị trí nhà dân đều đặt thùng đựng rác để bà con thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định.

Bà Đinh Thị Thu bỏ rác vào thùng đựng rác

Bà Đinh Thị Thu – người đồng bào Bana ở thôn 1, xã An Toàn chia sẻ: Bà con giữ gìn vệ sinh sạch sẽ đường làng để tránh bệnh tật và khách tham quan không còn e ngại khi đến tham quan làng. Nhà nước có hướng phát triển du lịch cộng đồng thì bà con vui lắm, mọi người đến tham quan làng nhiều hơn.

Thùng đựng rác được đặt tại những vị trí trung tâm để các hộ dân bỏ rác

Ông Đinh Văn Lầy – Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn cho biết: Toàn xã An Toàn có 285 hộ dân với 973 nhân khẩu, chia làm 3 thôn 1, 2, 3, phần lớn là người đồng bào Bana sinh sống. Để phát triển du lịch cộng đồng thì trước hết đường làng phải sạch, đẹp nên UBND xã đầu tư cho mỗi thôn 10 thùng đựng rác giúp bà con không vứt rác bừa bãi như trước kia. Bà con ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa nước, đời sống rất khó khăn. Phát triển du lịch cộng đồng là điều kiện để bà con thay đổi chất lượng cuộc sống, nâng cao đời sống người dân nên bà con đồng tình hưởng ứng và tham gia lớp tập huấn du lịch nhiệt tình.

Đường làng xanh, sạch, đẹp phục vụ khách du lịch

Bể nước phục vụ sinh hoạt ăn uống cho người dân

Nhà kho dùng để chứa lương thực, thực phẩm chống chuột phá hoại của mỗi hộ dân trong xã An Toàn là nét văn hóa đặc trưng của huyện vùng cao An Lão.

Bạn cũng có thể thích