Cần quy định cụ thể, chi tiết về quy chuẩn kinh doanh trạm sạc
Chuyển sang sử dụng xe điện vì mục tiêu giảm ô nhiễm
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, các dòng xe điện hóa được coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều nước đã đưa ra lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang kỷ nguyên xe xanh, xe điện, xe tự lái.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đã và đang tích cực tham gia các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với dân số gần 100 triệu dân, trong khi số lượng xe điện còn rất hạn chế, Việt Nam được coi là thị trường vô cùng tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện…), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.
Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như: hybrid, xe máy điện, ô tô điện, tiến tới là xe tự lái.
“Từ thực tế trên đặt ra vấn đề quản lý Nhà nước thông qua các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và xây dựng quy định quản lý, cơ chế chính sách để phát triển loại phương tiện này, bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện (trong đó ngoài xe du lịch còn có xe buýt điện, xe khách chạy điện).
Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT luôn trân trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp để phát triển loại hình phương tiện vận tải hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Ảnh minh hoạ
Các quy định cần rõ ràng, chi tiết
Về bức tranh thực tế triển khai trạm sạc xe điện hiện nay, ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty Công nghệ Năng lượng ALENA cho biết, các lợi ích của trạm sạc đối với xe điện trong tương lai rất lớn bởi vì có thể lắp đặt tại rất nhiều vị trí như trung tâm mua sắm, cửa hàng, trung tâm giải trí, công ty có mặt bằng lớn cũng có thể lắp đặt trạm sạc để phục vụ cho nhân viên công ty và kinh doanh.
“Về cơ sở hạ tầng, quy chuẩn kinh doanh trạm sạc như thế nào, đề nghị Bộ Công thương và EVN, Bộ GTVT có quy định cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn so với quy định về ước lượng bao nhiêu % xe điện có mặt vào năm 2030 từng đề ra thì rất chung chung. Đề nghị có quy định rõ ràng hơn về các chuẩn mực trạm sạc, các loại xe điện, các loại pin sử dụng trên xe điện.
Về hạ tầng trạm sạc, cần tổ chức lựa chọn các vị trí các trạm sạc công cộng ở những vị trí phù hợp, cần được công bố quy hoạch rõ ràng và cho phép các nhà đầu tư lắp đặt tránh ảnh hưởng đến việc xin – cho hay việc phải đi xin phép lắp đặt ở từng cơ quan muốn lắp.
EVN phải xây dựng được quy trình cũng như mô tả rõ ràng về các quy định này, cần phải bổ sung các trạm lưu trữ điện dự phòng, hỗ trợ điện áp trong thời gian ngắn để giúp cho sự ổn định lưới điện trong khoảng thời gian ngắn, có nhiều xe điện sạc cùng lúc.
Về các app ứng dụng thanh toán cho các nhà đầu tư và liên kết giữa các nhà đầu tư, EVN và ngân hàng giúp cho việc kinh doanh trạm sạc và thanh toán một chạm được triển khai một cách rõ ràng, không phải chuyển đổi qua nhiều ứng dụng khác nhau, bởi khi có quy định sẽ có rất nhiều công ty muốn tham gia kinh doanh trạm sạc giống như kinh doanh trạm xăng.
Cũng cần quy định chi phí thanh toán qua ngân hàng, chi phí mua điện từ EVN để kinh doanh trạm sạc và quy định về giá bán điện cho người sử dụng xe điện, tránh việc người kinh doanh xe điện sử dụng điện sai mục đích. “Ngoài ra, quan trọng nhất là hệ thống IT kết nối phải mạnh mẽ, đảm bảo an ninh kết nối 24/7 giúp cho việc an toàn về kinh doanh trạm sạc”, ông Ánh đề xuất.
Về sự phát triển của xe điện trên thế giới, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, đã có 10 triệu chiếc xe điện trên toàn thế giới vào cuối năm 2020. Số lượng xe điện bán ra tăng 41% vào năm 2020, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khoảng 3 triệu ô tô điện đã được bán trên toàn cầu (chiếm 4,6% thị phần) và châu Âu lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Số lượng xe buýt điện và xe tải điện được bán ra cũng tăng tại các thị trường lớn, đạt mức 600.000 chiếc đối với xe buýt điện và 31.000 chiếc đối với xe tải điện. Hiện nay, trong và sau bối cảnh đại dịch Covid-19, khả năng phục hồi doanh số bán xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính. Đầu tiên là các khuôn khổ pháp lý hỗ trợ, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, nhiều quốc gia đã tăng cường các chính sách như tiêu chuẩn khí thải CO2 và các quy định về phương tiện không phát thải (ZEV). Vào cuối năm 2020, hơn 20 quốc gia đã công bố lệnh cấm bán xe ô tô truyền thống hoặc bắt buộc tất cả các xe mới bán ra phải là xe ZEV. |
Bảo Lâm