Lực hấp dẫn Hòa Bình từ điểm nhìn “Hạ Long trên cạn”

Lực hấp dẫn Hòa Bình từ điểm nhìn “Hạ Long trên cạn”

Với nhiều lợi thế về hạ tầng giao thông, cảnh quan, Hòa Bình đặt mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm đặt trưng của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch tại địa phương đồng thời mở ra câu chuyện về lực hấp dẫn Hòa Bình trên nhiều lĩnh vực, theo hướng xanh bền vững.

Từ tiềm năng “Hạ Long trên cạn”…

Khi nhà máy thuỷ điện sông Đà được xây dựng và bắt đầu trữ nước vào những năm 80 của thế kỷ trước, Thung Nai (Cao Phong, Hoà Bình) trở thành hồ chứa nước khổng lồ, những ngọn núi cao trước kia trở thành chuỗi đảo nhấp nhô, tạo nên một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Nhờ đó Thung Nai trở nên nức tiếng với danh xưng “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Du lịch Thung Nai ngày càng phát triển, trở thành điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

1

Thung Nai – Cao Phong (Hòa Bình) đẹp như một bức tranh

Tiềm năng phát triển du lịch từ Thung Nai là rất lớn khi sở hữu lợi thế chỉ cách trung tâm thành phố Hòa Bình 20 km và Hà Nội gần 100 km, hạ tầng giao thông thuận tiện cùng hàng loạt chính sách “mở đường”. Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg  phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, theo đó Thung Nai là địa bàn trọng tâm thuộc Khu du lịch hồ Hòa Bình. Đây là khu du lịch cấp Quốc gia trọng điểm của vùng trung du miền núi phía Bắc có phạm vi quy hoạch rộng khoảng 52.200 ha.

Sở hữu tài nguyên “Hạ Long trên cạn” vô giá, Cao Phong cũng tranh thủ tận dụng lợi thế này để phát triển đa dạng loại hình du lịch, trong đó chú trọng du lịch sinh thái. Huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, xác định các tuyến, cụm, điểm du lịch, trong đó có các tuyến như Bình Thanh – Thung Nai – lòng hồ sông Đà; du lịch sinh thái hồ Hoà Bình…

Bên cạnh Thung Nai (Cao Phong), Hòa Bình đang dần trở thành cái tên mới trên bản đồ du lịch nhờ hàng loạt điểm đến hấp dẫn khác như Cửu Thác Tú Sơn, Công viên Di sản, Mai Châu…

Dựa trên tiềm năng tự nhiên đa dạng này, Hòa Bình đặt mục tiêu phát triển du lịch tỉnh thành ngành kinh tế mũi nhọn, tầm nhìn 2030. Các chính sách thu hút đầu tư, trải thảm đỏ đón các “sếu đầu đàn” đến phát triển dự án của tỉnh đã chứng tỏ hiệu quả. Hòa Bình hiện là miền đất lành thu hút hàng loạt tên tuổi như Vingroup, T&T Group, Sun Group, Geleximco… với các dự án quy mô lớn.

… Đến lực hấp dẫn Hòa Bình

Sự phát triển vượt bậc về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái của tỉnh Hòa Bình là một minh chứng rõ nét cho thấy sức hấp dẫn chung của địa phương này trên nhiều lĩnh vực, theo hướng phát triển xanh bền vững.

Ở tầm nhìn chiến lược, Hòa Bình đã thể hiện quan điểm xuyên suốt là thực hiện phát triển xanh, xanh và xanh hơn nữa để mỗi người dân thụ hưởng thành quả của đổi mới. Địa phương này xác định rõ mục tiêu và hướng đi trong những năm tới là hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Về phát triển đô thị theo hướng đô thị sinh thái, thu hẹp hoạt động khai thác tài nguyên đá để tạo không gian sinh thái cho phát triển đô thị; tăng cường việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Hòa Bình đã có những bước đi đúng khi vận dụng một các linh hoạt mô hình phát triển của Quảng Ninh – địa phương sở hữu kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long với việc chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Hiện tại, mỗi năm tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 12,2 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2016 – 2018 (thời kỳ chưa có đại dịch Covid-19) đạt 42.800 tỷ đồng; thu ngân sách từ hoạt động du lịch ước đạt 2.750 tỷ đồng, chiếm 9% tổng thu ngân sách nội địa; giải quyết việc làm cho khoảng 119.000 lao động trực tiếp…

2

Sự phát triển của ngành công nghiệp không khói là minh chứng cho sức hấp dẫn của Hòa Bình trong phát triển kinh tế chung.

Hàng loạt động thái nêu trên tạo sức hấp dẫn lớn cho Hòa Bình. Thống kê cho thấy địa bàn Hòa Bình hiện có 624 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, gồm 40 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 593,806 triệu USD và 584 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 105.894 tỷ đồng. Trong đó, 279 dự án đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng và các thủ tục pháp lý khác.

Dưới định hướng tập trung phát triển kinh tế của ban lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, trong năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình tăng 4 bậc so với năm 2019.

Hòa Bình còn có lợi thế khi nằm sát với Hà Nội – một thị trường lớn đầy tiềm năng với quy mô dân số cả chục triệu dân. Giới chuyên gia nhận định, huyện Cao Phong nói riêng và Hòa Bình nói chung sẽ tiếp tục đón dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư với các dự án quy mô, và cả làn sóng cư dân ưa chuộng phong cách sống xanh bền vững./.

Bạn cũng có thể thích