Tham vấn phương án quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc Bộ TN&MT

(TN&MT) – Ngày 24/12, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn phương án quy hoạch các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ TN&MT) cho biết, ngành TN&MT đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước các lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, xã hội, là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững đất nước.

Trước sức ép từ gia tăng dân số ngày càng cao, sức chịu tải của môi trường đã tới hạn và tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Vì vậy, nhiệm vụ quản lý của ngành rất phức tạp, đòi hỏi cả xã hội và các ngành kinh tế, kỹ thuật khác cùng phối hợp thực hiện hướng tới mục tiêu chung- tài nguyên thiên nhiên được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và môi trường được bảo vệ, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, duy trì an ninh quốc phòng và sự phát triển bền vững đất nước.

Trước thực trạng này, yêu cầu về công tác nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học đưa ra các quyết sách, hoạch định chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành; xây dựng định hướng nghiên cứu phát triển công nghệ và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng là rất cấp bách nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý về TN&MT góp phần phát triển bền vững đất nước.

Các tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ TN&MT có vị trí, vai trò quan trọng, là các đơn vị nghiên cứu và phát triển KH&CN chủ lực của Bộ. Hệ thống các Viện Nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Bộ là các đơn vị có quy mô lớn, lịch sử lâu dài và vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý Nhà nước, cung cấp cơ sở khoa học cho điều tra cơ bản về TN&MT của các lĩnh vực đặc thù theo chức năng của Bộ.

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến tham vấn phương án quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc Bộ TN&MT

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huyền, thực hiện công tác kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ TN&MT và các đơn vị trực thuộc Bộ trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021 – 2026, Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/BCSĐTNMT ngày 24/8/2021, quyết nghị một số nội dung về phương án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Theo đó, đối với các Viện Nghiên cứu trực thuộc các Tổng cục, trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn các Tổng cục sẽ xem xét kiện toàn, tổ chức lại các Viện Nghiên cứu trực thuộc các Tổng cục theo hướng chuyển các nhiệm vụ, bộ phận nghiên cứu chính sách sang Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường; bảo đảm tập trung, thống nhất một cơ quan đầu mối nghiên cứu phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chiến lược, chính sách về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ; đối với các nhiệm vụ, bộ phận nghiên cứu về công nghệ và ứng dụng, tổ chức lại theo hướng thành lập một Viện mới trực thuộc Bộ.

Ông Nguyễn Thạc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) cho biết, để triển khai Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ và thực hiện Công văn số 5728/BTNMT-TCCB ngày 17/9/2021 về việc xây dựng Đề án thành lập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp, thời gian qua, Vụ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng dự thảo Đề án thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo theo định hướng nghiên cứu ứng dụng và công nghệ cho lĩnh vực môi trường, quản lý tổng hợp biển và hải đảo, gửi xin ý kiến các đơn vị trực thuộc Bộ để hoàn thiện dự thảo.

Dự kiến tên gọi tổ chức KH&CN công lập thành lập là Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại 2 Viện thuộc Tổng cục Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Theo đó, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo sẽ đóng vai trò tổ chức chủ lực của Bộ trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, phát triển công nghệ cho lĩnh vực môi trường (bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học) cả trên đất liền và trên biển, quản lý tài nguyên biển và hải đảo, phục vụ công tác quản lý Nhà nước, thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn về môi trường và biển, hải đảo; đào tạo trình độ tiến sỹ các ngành cho mục tiêu phát triển phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, góp phần triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Theo Dự thảo Đề án thành lập, Viện hoạt động theo cơ chế tự chủ quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Viện quyết định các hoạt động nghiên cứu theo định hướng, kế hoạch của Bộ TN&MT và trên cơ sở các nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao.

Dự kiến những năm đầu đi vào hoạt động Viện sẽ được đầu tư mạnh để có các thiết bị, xây dựng trụ sở và kinh phí hoạt động thường xuyên của Viện được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp trên cơ sở những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước mà Viện thực hiện.

 Những năm tiếp theo, Viện sẽ chuyển dần sang cơ chế hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và tiến đến hình thành tổ chức khoa học và công nghệ tự bảo đảm chi thường xuyên và sau 10 năm sẽ tự chủ toàn bộ về tổ chức, nhân lực, tài chính.

Các trang thiết bị, phương tiện làm việc của Viện được điều chuyển từ các đơn vị thuộc Bộ, đầu tư mới theo nhu cầu thực tế và Đề án đầu tư trang thiết bị sẽ được trình Bộ phê duyệt sau khi có quyết định thành lập Viện.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực và tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các Viện nghiên cứu trong triển khai hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện cơ chế tự chủ. Đồng thời cho ý kiến góp ý Đề án Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo.

Các đại biểu đều thống nhất việc thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo và cho rằng, Viện sẽ đóng vai trò tổ chức chủ lực của Bộ trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển ứng dụng và đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực khoa học môi trường và biển, hải đảo phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững KT-XH, đáp ứng yêu cầu về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bạn cũng có thể thích