Chào mừng ngày Đo lường Việt Nam 20/1: Tạo hành lang pháp lý cho ngành Đo lường phát triển
Đo lường là ngành khoa học kỹ thuật (KH-KT) chính xác, có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, đời sống, quốc phòng và nghiên cứu khoa học. Không có KH-KT đo lường chính xác sẽ không có sản phẩm đạt chất luợng cao, không đảm bảo độ chính xác và tin cậy trong điều tra cơ bản, khó thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển, do vậy không thể đạt mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế quốc dân.
Riêng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Đo lường là một trong những điều kiện và yêu cầu cơ bản ban đầu cho hoạt động nghiên cứu phát triển. Mỗi cán bộ khoa học kỹ thuật dù muốn hay không cũng phải tiếp cận và làm chủ kỹ thuật đo lường mới có thể nói đến sự tin cậy, chính xác của kết quả nghiên cúu, điều tra, đánh giá hiệu quả và chất lượng công việc, từ đó làm luận cứ khoa học cho các nhà chính trị hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Đo lường và sự ứng dụng kết quả nghiên cứu KH-KT Đo lường vào sản xuất, đời sống.
Quy luật sản xuất hàng hóa cạnh tranh mỗi doanh nghiệp phải quan tâm đến Đo lường, đến việc ứng dụng các phương tiện đo (PTĐ) và phương pháp đo hiện đại. Mặt khác nó cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới gay gắt hơn đối với ngành đo lường và đội ngũ cán bộ làm công tác KH-KT đo lường hiện nay.
Đo lường có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, đời sống, quốc phòng và nghiên cứu khoa học.
Để tạo hành lang pháp lý cho ngành Đo lường phát triển, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quan trọng: Luật Đo lường 2011, Nghị định 86/2012/NĐ- CP, ngày 19/10/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường làm cơ sở để quản lý và phát triển đo lường nước ta trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Hiện nay hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam tương thích với các tổ chức đo lường quốc tế như Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC),…
Việt Nam hiện đã là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo… Đây là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, nhu cầu của doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế.
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030” (gọi tắt là Đề án 996) nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…
Đề án 996 còn có những mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa…
Để triển khai Đề án 996, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 996, Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 Phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN ban hành TCVN13187: 2020 Phòng thí nghiệm đo lường – Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường.
Theo Đề án 996, đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương;
Phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 50.000 doanh nghiệp; triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường.
Đến năm 2030 sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 100.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường.
Võ Văn Khoa