Chương trình 68: Hơn 1.100 sản phẩm được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2005 theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg (Chương trình 68) với muc tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho các chủ thể quyền SHTT trong bối cảnh Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Chương trình 68 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; tài sản trí tuệ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Cục SHTT, đến nay, trải qua 3 giai đoạn (2005-2010, 2011-2015 và 2016-2020), Chương trình 68 về cơ bản đã được xây dựng, phê duyệt và triển khai phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn của từng giai đoạn, cũng như định hướng, lộ trình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hoạch định.
Kết quả, giai đoạn 2005-2010 có tổng số có 72 dự án được phê duyệt cho triển khai, tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn,nâng cao nhận thức, phổ biến Luật SHTT; nghiên cứu các lý luận và kinh nghiệm quốc tế và điều tra, khảo sát đánh giá về bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Giai đoạn 2011-2015 có tổng số có 203 dự án được triển khai, bao gồm: 87 dự án do Bộ KH&CN phê duyệt, quản lý và 156 dự án do các địa phương phê duyệt, quản lý.
Thành công của giai đoạn này là Chương trình 68 đã thúc đẩy việc hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương; hỗ trợ bảo hộ sáng chế cho các nhà khoa học; tập huấn về SHTT cho khối doanh nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đơn vị, doanh nghiệp về SHTT và hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm chủ lực địa phương.
Giai đoạn 2016-2020 đã có tổng số 269 dự án được triển khai, nhiều hơn 60 dự án so với giai đoạn trước. Trong đó bao gồm 52 dự án do Bộ KH&CN phê duyệt, quản lý và 217 dự án do các địa phương phê duyệt, quản lý. Điểm nổi bật của giai đoạn 2016-2020 là các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần khẳng định vai trò của KH&CN, SHTT với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng và huy động được nguồn lực lớn từ các địa phương, doanh nghiệp, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phê duyệt, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.
Sản phẩm chè Thái Nguyên hiện đã được bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Ảnh minh hoạ
Trong giai đoạn này, có 1.148 sản phẩm đã được hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT trong nước. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.
Có thể kể đến nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La; lồng ghép hiệu quả giữa SHTT và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; phát triển tài sản trí tuệ gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế; SHTT với chống biến đổi khí hậu của các tỉnh Tây Nam Bộ; định vị thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của tỉnh Lâm Đồng và rất nhiều địa phương tiêu biểu khác…
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi, mở đường cho việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên bình diện quốc tế, Cục SHTT đã và đang hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột.
Cục SHTT cũng hỗ trợ về chuyên môn, các địa phương chủ trì triển khai công tác hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, tiêu biểu như: Chè Thái Nguyên (bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan), mỳ Chũ, Bắc Giang (bảo hộ tại Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia)…
Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể (như cam Cao Phong Hòa Bình, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, cam Hà Giang, bưởi da xanh Bến Tre…).
Thông qua hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung, chặt chẽ và chuyên canh sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo dụng được công cụ quản lý và các căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.
Ông Đinh Hữu Phí cho biết, trong thời gian tới, Cục SHTT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương. Trong đó sẽ chú trọng tới việc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; khai thác, phát triển các sản phẩm theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Đồng thời giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị các tài sản trí tuệ.
Tiếp nối thành công của những giai đoạn trước, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 2021-2030 được xây dựng với mục tiêu, quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ SHTT, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa SHTT; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. |
Bảo Lâm