Phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Srêpốk

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là bảo đảm an ninh tài nguyên nước trên lưu vực sông, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách phù hợp, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch nêu rõ về chức năng nguồn nước, trong đó, các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia trên lưu vực sông Srêpốk gồm: Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpốk, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp có chức năng sử dụng cho các mục đích cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, du dịch, kinh doanh dịch vụ, thủy điện, giao thông thủy.

Các nguồn nước dưới đất trên lưu vực sông Srêpốk có chức năng sử dụng cho các mục đích cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tưới cây công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ.Việc khai thác, sử dụng phải gắn với bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, sự lưu thông dòng chảy, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị đa dạng sinh học phù hợp với chức năng nguồn nước trong kỳ Quy hoạch.

Cụ thể, quản lý chặt chẽ rừng đầu nguồn, phấn đấu duy trì tỷ lệ che phủ rừng là nguồn sinh thủy trên lưu vực sông, đặc biệt là tại thượng lưu các sông Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpốk, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp.

Quản lý không gian tiêu thoát nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy trên các sông, suối gồm: Ea Krông Nô, Ea Krông Ana, Srêpốk, Ea H’leo, Ia Đrăng, Ia Lốp. Các dự án kè bờ, gia cố bờ sông, san, lấp, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông không được gây cản trở dòng chảy, thu hẹp quá 5% bề rộng lòng sông. Các sông, suối khác căn cứ vào tầm quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, điều hòa, cảnh quan môi trường cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, quyết định việc quản lý không gian tiêu thoát nước cho phù hợp.

Quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải, thu gom, xử lý nước thải đô thị xả vào nguồn nước để bảo đảm chức năng nguồn nước theo quy định; công bố, quản lý chặt chẽ danh mục các hồ, ao không được san lấp, các hồ, ao có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học.

Về phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông và sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất, thực hiện biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; điều tra, đánh giá, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; nghiên cứu sự biến đổi lòng dẫn, quy luật tự nhiên tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông; quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, không để phát sinh hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, sạt, lở bờ, bồi lấp sông, suối.

Thực hiện việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, dừng khai thác nước dưới đất đối với các vùng đã xảy ra sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất và không xây mới các công trình khai thác đối với vùng liền kề, vùng đã xảy ra sụt, lún đất; có kế hoạch, lộ trình điều chỉnh khai thác nước dưới đất hợp lý tại những khu vực có nguy cơ sụt lún, ô nhiễm, hạ thấp mực nước quá mức.

Phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình nhằm phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng; thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ của người cao tuổi.

Bên cạnh đó, tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí;…

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 – 2025, 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; ít nhất 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Hàng năm, ít nhất 80% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 70% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; 10.000 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội;…

Chương trình với 12 nhiệm vụ và giải pháp gồm:

1- Trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

2- Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng đối với người cao tuổi;

3- Trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho người cao tuổi;

4- Trợ giúp người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; 5- Phát huy vai trò người cao tuổi;

6- Trợ giúp người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông;

7- Trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi;

8- Phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ thiên tai đối với người cao tuổi;

9- Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp người cao tuổi;

10- Tăng cường truyền thông, hợp tác quốc tế về người cao tuổi và vấn đề già hóa dân số;

11- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá; cơ sở dữ liệu về người cao tuổi; 12- Hỗ trợ hoạt động đối với tổ chức của người cao tuổi.

Trong đó, triển khai kịp thời chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên; thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi không có điều kiện đến cơ sở khám chữa bệnh.

Hỗ trợ thí điểm mô hình chăm sóc dài hạn đối với người cao tuổi; mô hình nhà xã hội an toàn cộng đồng cho người cao tuổi độc thân, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; thực hiện thí điểm ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần đối với khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và phát triển hệ thống câu lạc bộ về văn hóa, thể dục, thể thao phù hợp đối với người cao tuổi; nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ giúp đỡ nhau chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Động viên, khuyến khích người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm tích cực xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội gắn kết, văn minh; nêu gương sáng, chí bền cho con, cháu noi theo.Vận động người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội tại địa phương; phát triển phong trào già làng, trưởng bản, người cao tuổi có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để xây dựng làng văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu./.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích