Tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” trong phát triển năng lượng tái tạo
Tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” trong phát triển năng lượng tái tạo
Các chuyên gia cho rằng, cần có một lộ trình rõ ràng hơn đối với việc cắt giảm các nguồn năng lượng hóa thạch và nhanh chóng tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) một cách hiệu quả.
Sớm ban hành cơ chế đấu thầu
Chia sẻ tại toạ đàm “Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo” ngày 22/12, TS kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư cho biết: So với dự thảo Quy hoạch tháng 3/2021, phương án điều hành trong dự thảo Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình Chính phủ tháng 11/2021 đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, NLTT, phù hợp hơn với cam kết của Việt Nam về cắt giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26 vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một lộ trình rõ ràng hơn đối với việc cắt giảm các nguồn năng lượng hóa thạch và nhanh chóng tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn NLTT một cách hiệu quả, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nước ta.
Đánh giá về thực trạng phát triển NLTT hiện nay, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, trên thế giới NLTT đang phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng trên 15-30%/năm. Hiện, lĩnh vực NLTT của Việt Nam cũng đang phát triển nhanh, với nhiều tiềm năng để thúc đẩy.
Cụ thể, đối với điện gió, tổng tiềm năng kỹ thuật đạt 377 GW. Đặc biệt, tính đến cuối tháng 10/2021, Việt Nam đã có 84 nhà máy với tổng công suất khoảng 4.000MW đã vận hành thương mại (COD). Tuy nhiên, còn 37 dự án đăng ký với tổng công suất khoảng 2.455 MW đã đăng ký nhưng không kịp COD trước 31/10/2021.
Đáng chú ý, tiềm năng năng lượng mặt trời tại Việt Nam là rất lớn. Theo tính toán, điện mặt trời sẽ có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 434 GW, trong đó, đã đưa vào vận hành khoảng 16,6 GW (ĐMT tập trung 9 GW, ĐMT mái nhà 7,6 GW).
Nhấn mạnh về vai trò của NLTT đối với phát triển kinh tế xã hội, ông Vy cho rằng, giai đoạn 2020 – 2050, hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc từ phần lớn dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang tăng cường hiệu quả, dựa trên NLTT và thực hiện điện khí hóa rộng rãi trong khi tăng tính linh hoạt của hệ thống.
Tuy nhiên, ông Vy chỉ ra, Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn NLTT. Cụ thể, vẫn chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án. Ngoài ra, còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng các công nghệ NLTT; Giá FIT cho các dự án NLTT được áp dụng thống nhất trong cả nước có thể dẫn đến hạn chế nguồn lực cho phát triển.
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển NLTT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khuôn khổ chính sách cho phát triển NLTT. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải và phân phối điện cũng như các công cụ đảm bảo hoạt động ổn định hệ thống điện khi gió và điện mặt trời cao. Kết hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ với cơ chế thị trường.
“Trên cơ sở đó, tiếp tục tăng cường phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLTT. Đặc biệt, tôi đề nghị sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án NLTT theo các bước: Xác định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện trong từng năm, theo từng vùng, miền nhằm tránh quá tải cho các đường dây; Các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một hoặc một vài địa điểm nhằm tránh quá tải cho lưới điện; Các dự án được chọn trên cơ sở giá đề xuất từ thấp đến cao cho đến khi đủ công suất theo yêu cầu” – ông Vy nhấn mạnh.
Đảo bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội
Chia sẻ thêm về mặt giải pháp từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Sản, đại diện Ban quản lý năng lượng Tập đoàn T&T đã nêu 3 điểm nghẽn cần sớm có phương án tháo gỡ 3 điểm nghẽn chính trong phát triển NLTT tại Việt Nam.
Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay và xu thế phát triển thì tỉ trọng nguồn điện từ NLTT ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp.
Thứ hai, cơ chế giá FIT của chúng ta chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Đây cũng được coi một điểm nghẽn cần khơi thông dòng chảy và cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài.
Thứ ba, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang thiếu một quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn điện này cũng như các hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các bước đi trong quá trình thực thi.
Đặc biệt, do thiếu quy định và hướng dẫn nên hiện nay một số địa phương đã thông qua khu vực khảo sát theo đề nghị của nhà đầu tư là quá lớn so với quy mô công suất dự kiến. Điều này vừa gây lãng phí không gian biển, tài nguyên biển, cũng như hạn chế các nhà đầu tư tiềm năng khác đến tìm kiếm ý định và nhu cầu đầu tư.
Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp điện gió chưa được hưởng giá FIT kịp vận hành thương mại trước 1/11/2021, tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh – Cục phó Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận, việc áp dụng cơ chế giá FIT khi thị trường đang còn rất mới, và đến nay quy mô công suất cũng đã khá lớn. Do đó, ở thời điểm này cần chuyển sang một cơ chế hiện đại hơn, mới hơn, làm sao để tiếp cận được gần hơn với thị trường, đảm bảo thay đổi nhanh với những biến động của thị trường về chi phí, giá thành của các loại hình NLTT. Đảo bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.
Theo định hướng góp ý của các bộ ngành, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để xây dựng một cơ chế theo hướng dựa trên các quy định của các luật hiện hành (Luật giá, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu) đảm bảo theo có chế thị trường. Các dự án có thể được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, các địa phương sẽ có trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư.
Thông tin thêm về vấn đề về giá điện, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, trong thời gian tới, giá điện sẽ được thông qua đàm phán với bên mua bán điện, với cơ chế như vậy, hiện Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu để sắp tới ban hành khung giá điện cho các loại hình nguồn điện, trong đó có các nguồn điện NLTT. Trên cơ sở khung giá điện đó sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư có thể đàm phán với bên mua điện.
“Cơ chế ban hành sẽ được thực hiện sau khi Quy hoạch điện VIII phê duyệt. Vì khi quy hoạch được phê duyệt chúng ta mới biết các mục tiêu phát triển và cơ chế sẽ xác định phù hợp với các mục tiêu phát triển theo từng thời kỳ” – ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cũng nêu rõ về việc tiếp tục kéo dài giá FIT hay không áp dụng giá FIT, mà áp dụng cơ chế giá mới trong cơ chế phát triển NLTT sắp tới. Về vấn đề này, sẽ được đề cập đến cơ chế chuyển tiếp cho các dự án hiện nay đang triển khai.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị