Nâng cao kiến thức pháp luật để người dân thoát khỏi nỗi sợ vô hình
“Mình biết bánh mì là thực phẩm chứ, nhưng đành im lặng để cho người ta đúng…”. Đó là lời của anh T.V.E trong sự việc “bánh mì không phải là thực phẩm”.
Phát ngôn “bánh mì không phải là thực phẩm” của ông Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) gây sự chú ý trong những ngày qua.
Dư luận ngạc nhiên về câu nói này và đặt ra câu hỏi không biết trình độ của ông Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa chỉ có thế hay là sự hống hách hành dân của ông này?
Tuy nhiên, câu chuyện đã được giải tỏa phần nào. Trao đổi với phóng viên Dân trí – ông Nguyễn Sỹ Khánh – Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, lãnh đạo thành phố sau khi nắm thông tin vụ việc đã chỉ đạo phường Vĩnh Hòa trả lại phương tiện và giấy tờ cá nhân cho anh T.V.E. bị tổ liên ngành của phường kiểm tra, thu giữ vào ngày 18/7.
“Đây là một việc đáng tiếc, chúng tôi không mong muốn xảy ra. Ngay sau khi nắm bắt sự việc, lãnh đạo thành phố cũng đã quán triệt, chấn chỉnh đối với tổ liên ngành phường Vĩnh Hòa, đồng thời nhắc nhở các xã, phường trên địa bàn thành phố” – Chủ tịch UBND TP Nha Trang nói.
Xin hoan nghênh tinh thần này. Song, trong bài báo tiếp theo “Thanh niên vụ “bánh mì không phải thực phẩm”: “Chỉ mong bình an để làm ăn” cùng đăng trên Dân trí thì một câu hỏi đặt ra, đó đã và đang xuất hiện sự sợ hãi của không ít người dân với cán bộ cơ sở mà người thanh niên vi phạm này là một ví dụ. Bài báo trên có đoạn:
“Nói về những phát ngôn của vị Phó Chủ tịch phường, anh E. cho biết mình cũng rất bức xúc khi bản thân liên tục bị chèn ép, nhưng không thể nói lại vì sợ bị quy thái độ của mình là chống cự… Mình biết là người ta nói sai, nhưng mình nói lại thì sợ họ nói mình chống đối, hỗn hào. Mình biết bánh mì là thực phẩm chứ, nhưng đành im lặng để cho người ta đúng. Mình chỉ mong bình an, lấy xe về được để còn đi làm ăn, không thể đôi co với họ mãi!” – anh E. nói.
Đây là một sự thật xảy ra không chỉ ở một địa phương này. Không ít người dân phải im lặng trước sự sai trái và thậm chí, chấp nhận mình sai trong khi mình đúng và chấp nhận họ đúng trong khi họ sai.
Vì sao có nỗi sợ này? Xin thưa, người dân sợ bị để bụng, sợ bị trả thù và họ sợ cho cả những người liên quan.
Vì thế, cần trang bị cho người dân kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình đồng thời phải có biện pháp “nhốt quyền lực vào trong lồng” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ khi đó, nỗi sợ vô hình của dân sẽ bị hạn chế tối đa.
Nguồn: Báo xây dựng