Năm 2022: Giải quyết cơ bản về nhà ở cho người dân, nhất là các hộ nghèo
Nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn vẫn rất cao. (Ảnh Cao Nguyên). |
Ngày 18/12, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay đã gây tổn hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội trên cả nước.
Tuy nhiên, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực từ quý IV/2021, trong đó có ngành Xây dựng, cụ thể: Giá trị tăng thêm ngành Xây dựng ước quý IV/2021 tăng 33% so với quý III/2021. Trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%.
“Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong quý IV nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành Xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020, đây là một kết quả khá tích cực”, Bộ Xây dựng khẳng định.
Đánh giá của Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng Covid-19 nên hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Từ đầu tháng 10/2021, các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Từ những khó khăn về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, năm 2022 Bộ Xây dựng cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014).
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung – cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.
Phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ. Đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.
Ngoài ra, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở trong giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19.
Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Cao Nguyên/laodong.vn
https://laodong.vn/bat-dong-san/nam-2022-giai-quyet-co-ban-ve-nha-o-cho-nguoi-dan-nhat-la-cac-ho-ngheo-985981.ldo
Nguồn: Báo lao động thủ đô