Ứng dụng công nghệ quản lý chất thải nhựa, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những nội dung của Kế hoạch là rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tổng cục Môi trường có trách nhiệm thường xuyên rà soát, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý, điều chỉnh trong danh mục phế liệu nhập khẩu (đối với phế liệu nhựa) cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Tổ chức triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng; hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở tái chế chất thải nhựa và các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần theo quy định.

Từ năm 2022-2025, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất, xây dựng lộ trình và hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa tại nguồn nhằm thu hồi, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa tối đa; nghiên cứu và đề xuất tiêu chí/quy định về giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ TN&MT đang có kế hoạch triển khai các hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa. Ảnh minh hoạ

Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất các sản phẩm nhựa; tình hình phát sinh, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; xây dựng hệ thống thông tin quản lý chất thải nhựa; đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định về quản lý chất thải nhựa. Từ năm 2022-2026, Tổng cục Môi trường nghiên cứu, đề xuất quy định về môi trường đối với các sản phẩm tái chế, hàng hóa chứa vi nhựa và túi nylon, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất với dự báo tăng 10-16% mỗi năm. Nhiều thành phần khó xử lý và khó tái chế như vải, da, cao su có tỷ lệ thấp lại đang có chiều hướng tăng qua các năm. Trong đó, đáng chú ý là thành phần chất thải nhựa cũng gia tăng.

Còn theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, chủ yếu ở miền Nam. Số lượng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Long An chiếm 80% tổng số lượng doanh nghiệp nhựa trên cả nước, còn lại ở miền Bắc 15% và và miền Trung chỉ chiếm 5%. Trong số này, hầu hết là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, 90% là doanh nghiệp tư nhân. Số lượng doanh nghiệp và chủng loại nhựa sản xuất ngày càng đa dạng, tốc tộ tăng trưởng ngành nhựa trung bình 15%/năm.

Đến nay, sản lượng nhựa khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó, sản phẩm nhựa bao bì (bao gồm các loại túi ni lông, chai lọ nhựa, bao bì hàng hóa…) chiếm khoảng 36%; nhựa vật liệu xây dựng, đồ gia dụng và các loại dành cho các ngành công nghiệp khác như điện tử, điện, giao thông vận tải lần lượt chiếm khoảng 16%, 36% và 12%.

Sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy sử dụng và thải bỏ ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ.

Trong tổng lượng chất thải nhựa thải bỏ, chỉ có một phần được thu hồi- tái chế, một phần được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp, phần còn lại không được thu gom triệt để theo dòng chảy gây ô nhiễm sông ngòi, biển và đại dương. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải ra môi trường ngày càng gia tăng đe dọa nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương nếu không được thu gom, xử lý triệt để.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích