Công nghệ xử lý chất thải được “nội địa hóa” phù hợp với Việt Nam

Công nghệ xử lý chất thải được “nội địa hóa” phù hợp với Việt Nam

MTĐT –  Thứ bảy, 18/12/2021 21:57 (GMT+7)

Ngày 17/12 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã tổ chức hội thảo giới thiệu về công nghệ xử lý môi trường được các nhà khoa học của VAST nghiên cứu qua nhiều thế hệ.

Tại hội thảo, GS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hiện nay công nghệ xử lý chất thải rắn của Việt Nam đã có bước phát triển, tiến bộ, đặc biệt các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào xử lý chất thải.

Dẫn số liệu của Bộ TN&MT, giai đoạn 2016-2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm, GS.TS Trịnh Văn Tuyên cho hay, hiện nay, nhiều địa phương đã lựa chọn công nghệ để giải quyết các vấn đề chất thải.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay vẫn tồn tại thực trạng rằng công nghệ xử lý chất thải trong nước mặc dù tốt, có chi phí thấp hơn đáng kể, nhưng lại ít được thị trường chấp nhận và sử dụng.

tm-img-alt
GS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Hà Linh).

Theo GS.TS Trịnh Văn Tuyên, đây đều là những công nghệ có chất lượng tương đương hàng nhập ngoại, giá rẻ hơn và rất nhiều tiềm năng ứng dụng. Điển hình như mẫu lò đốt VHI-18B xử lý chất thải rắn y tế do Viện Công nghệ Môi trường làm chủ công nghệ sản xuất, vận hành và bảo dưỡng.

Sản phẩm này được tích hợp công nghệ đốt theo mẻ, áp dụng nguyên lý đốt đa vùng, xử lý hiệu quả khí thải, nhưng hiện mới chỉ được triển khai ở 50 bệnh viện. Theo GS.TS Trịnh Văn Tuyên, con số này là quá thấp so với nhu cầu thực tế.

Hay như mẫu lò đốt chất thải rắn nguy hại không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC với mức giá chỉ bằng 50%, hoặc thậm chí chỉ bằng một phần ba so với sản phẩm tương tự nhập khẩu, nhưng lại ít được sử dụng.

Điều này theo GS.TS Trịnh Văn Tuyên, là do quảng bá sản phẩm trong nước còn yếu, khiến cho sản phẩm dẫu tiềm năng, nhưng lại chưa có cơ hội được biết đến bởi những tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.

Ngoài chi phí đầu tư và lắp đặt, GS.TS Trịnh Văn Tuyên cũng cho biết sản phẩm nội có nhiều ưu thế, như do làm chủ được công nghệ, nên quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng… đều sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, VAST cho biết – Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam theo hướng dần dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính “sản xuất-sử dụng-thải bỏ” sang nền “kinh tế tuần hoàn”, hướng tới phát triển bền vững. Do vậy các công nghệ được trình bày tại hội thảo ngày hôm này đều hướng đến “tái tạo chất thải thành nguồn tài nguyên”, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

“Các công nghệ xử lý chất thải được lựa chọn giới thiệu trong hội thảo đều xuất phát từ các nghiên cứu qua nhiều thế hệ nhà khoa học của Viện Hàn lâm, phát triển thành các sản phẩm ứng dụng mang tính hiện đại nhưng đã được “nội địa hóa” cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam. Các công nghệ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu xử lý môi trường cấp bách ở nước ta hiện nay”, PGS.TS. Phan Tiến Dũng cho biết.

tm-img-alt
PGS.TS Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh:Internet)

Cụ thể đối với xử lý rác thải sinh hoạt, tại hội thảo các nhà khoa học đã giới thiệu kết quả ứng dụng công nghệ Compost (Aerobic), phân hủy kỵ khí (Anaerobic Digestion), xử lý sinh học – cơ học (Mechanic Biotechnology Technology), thiêu hủy lò đốt (Incinerator), sản xuất nhiên liệu từ chất thải,… nhằm biến rác thành các sản phẩm đóng góp vào an ninh lương thực (chất bổ trợ đất) và an ninh năng lượng (điện, RDF…).

Hay rác thải nguy hại là công nghệ lò đốt không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC… Đến nay, nhiều thế hệ lò đốt ra đời và đã được chuyển giao cho các đơn vị sử dụng trên mọi miền của đất nước. Đây là công trình được ghi nhận ứng dụng khoa học trình độ cao trong thực tiễn và đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho các tác giả của Viện.

Trong khi đó chất thải công nghiệp như xỉ lò, tro bay cũng đã được công nghệ “nội địa” xử lý bởi nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Khoa học vật liệu, Viện Địa lý tài nguyên TP. Hồ Chí Minh… các chất thải công nghiệp này đã tạo nguyên liệu hay cốt liệu cho ngành vật liệu xây dựng như gạch không nung, bột đá, đảm bảo sạch và an toàn với môi trường.

Ngoài ra các công nghệ về xử lý ô nhiễm nước mặt trong các khu đô thị, dân cư, xử lý rác nhựa, xử lý khí thải… cũng đã được các nhà khoa học giới thiệu đến các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Cũng theo PGS.TS Phạm Tiến Dũng, thông qua hội thảo chúng tôi mong muốn quảng bá các “công nghệ nội địa” đến với các địa phương, các doanh nghiệp. Đồng thời kết nối cá nhà quản lý, nhà doanh nghiệp với các nhà khoa học nhằm trao đổi các thông tin thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm, kết quả KH&CN cũng như định hướng nghiên cứu triển khai phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Điều này cũng thể hiện tinh thần đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm luôn sát cánh cùng với các doanh nghiệp đưa các kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm gắn với thực tế, phục vụ thực tế. Qua đây, các doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thực tế, giải pháp phát triển và đặt hàng cho các nhà khoa học của Viện Hàn lâm nghiên cứu giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mình.

Không chỉ dẫn đầu về nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, thể hiện qua số lượng công bố quốc tế, Viện Hàn lâm còn được công nhận “Dẫn đầu đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á” (do tổ chức Clarivate – Vương Quốc Anh bình chọn hai năm liên tiếp 2020, 2021) với số lượng bằng độc quyền sở hữu trí tuệ năm sau cao hơn năm trước và chiếm tới 60% tổng số lượng văn bằng độc quyền do người Việt đăng ký. Đây là cơ sở khoa học để phát triển, ứng dụng công nghệ nói chung và công nghệ xử lý chất thải nói riêng của Viện Hàn lâm vào thực tiễn đời sống, góp phần tăng trưởng KTXH, bảo vệ môi trường của nước ta.

Hoài Thu (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích