Tập đoàn GFS thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Xây dựng) – Ngày 16/12, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam”, Tập đoàn GFS đã trình bày một số bài tham luận về việc đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng các công nghệ mới, các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Th.S Nguyễn Hồng Hạnh – Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS phát biểu tham luận tại Hội thảo. |
Viện Công nghệ GFS đã nghiên cứu và phối hợp với đối tác chiến lược, sản xuất thành công tấm panel sàn, panel tường bê tông AAC sử dụng 70% là tro bay đã tuyển nổi từ tro xỉ xả thải của nhà máy nhiệt điện thay cho nguyên liệu cát nghiền. Ứng dụng công nghệ tiền chế để xây dựng khu một số khu thiết chế công đoàn và nhà xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Công nghệ xây dựng trên thế giới đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng, hiện đại với diện tích xây dựng rất lớn chỉ trong vài ngày, vài tuần tại Mỹ, Ba Lan, Trung Quốc,… bằng công nghệ lắp ghép các cấu kiện bê tông đúc sẵn, các Module đã hoàn thiện ở quy mô công nghiệp đã là hiện thực và giờ đây ngành Xây dựng Việt Nam không thể đứng ngoài “sân chơi” này.
Tập đoàn GFS đã phối hợp với trường Đại học Thủy lợi nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại cấu kiện bằng vật liệu mới đạt tiêu chuẩn chất lượng trong xây dựng nhà tiền chế.
Tập đoàn GFS sẽ sử dụng công nghệ tiền chế với tấm panel sàn, panel tường sản xuất từ 70% tro bay nhà máy nhiệt điện để xây dựng các nhà ở cao tầng chất lượng cao, đảm bảo thẩm mỹ và giá thành cạnh tranh tại các khu thiết chế công đoàn tại: Hưng Yên, Nam Định và Khánh Hòa với quy mô 2.500 – 4.000 công nhân/ khu thiết chế.
Thiết kế khu thiết chế công đoàn tại Nam Định mà Tập đoàn GFS dự kiến triển khai. |
Theo tính toán của các chuyên gia, tổng chi phí xây dựng có thể giảm đến 20% do rút ngắn được khoảng 20-25% thời gian thi công, đồng thời giảm được 35-40% số lượng công nhân và bụi thi công tại hiện trường.
Năm 2021, Tập đoàn GFS đã nghiên cứu và sản xuất thành công cấu kiện chắn sóng bằng bê tông Geopolymer từ nguyên liệu chính là tro xỉ thải nhà máy nhiệt điện, không dùng xi măng, tạo được sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đủ điều kiện thay thế cấu kiện bê tông xi măng, cát, sỏi hiện nay.
Ngoài lĩnh vực xây dựng, trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Tập đoàn GFS cũng là một trong các đơn vị tiên phong đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn biến “Việt Nam sẽ là vườn dược liệu của thế giới” cùng những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị, bền vững và đặc sắc. Với mục tiêu phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.
Bên cạnh đó, phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu…
Trong bài tham luận của mình tại hội thảo, Th.S Nguyễn Hồng Hạnh – Tổng Giám đốc, Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS khẳng định: Trong suốt hành trình gần 25 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn GFS luôn nhận thức rằng khoa học và công nghệ là chìa khóa mở ra chân trời mới để doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh, khoa học và công nghệ là động lực để phát triển phát triển toàn diện xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Đầu tư phát triển khoa học và công nghệ là đầu tư cho tương lai của chính doanh nghiệp.
GFS cho rằng, đầu tư cho khoa học và công nghệ là con đường tất yếu của doanh nghiệp. Công nghệ được xác định là một trong 5 yếu tố cấu thành tăng trưởng kinh tế, ở đâu có công nghệ đi đầu thì ở đó có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế. Việc đầu tư cho khoa học và công nghệ đang là xu thế tất yếu và chính khoa học và công nghệ đã đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Mô hình viện khoa học và công nghệ gắn liền doanh nghiệp tư nhân để giải quyết các nhiệm vụ chiến lược của mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp, thực hiện đổi mới sáng tạo là hướng đầu tư đúng, là động lực thu hút các chuyên gia giỏi đến làm việc và cống hiến trí tuệ vì sự phát triển của chính doanh nghiệp.
VUSTA đã và đang là nơi hội tụ nhiều chuyên gia khoa học và công nghệ hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đây là nguồn tiềm lực khoa học và công nghệ rất qúy rất cần được VUSTA tập hợp trong một “Ngân hàng chuyên gia quốc gia” để giới thiệu, kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư để phát triển sản xuất – kinh doanh.
Với vai trò, trách nhiệm tư vấn, phản biện độc lập, VUSTA có thể chủ động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong việc tiếp cận, thực thi các cơ chế, chính sách về đầu tư, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp tư nhân), giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn khi quyết định đầu tư khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chủ động sản xuất được các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao, và khi đó giải thưởng VIFOTEC sẽ mãi là niềm tự hào của khoa học – công nghệ Việt Nam.
Nguồn: Báo xây dựng