Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra kịch bản ứng biến với siêu bão Rai
Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra kịch bản ứng biến với siêu bão Rai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 2 kịch bản tác động của siêu bão Rai (bão số 9) đối với các tỉnh, thành ven biển nước ta trong những ngày tới.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sáng 19/12, dự báo khi bão số 9 đi vào kinh tuyến 110-111,0 độ Kinh Đông, cường độ bão duy trì ở cấp 12-13, giật trên cấp 15; cách đất liền từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 280km, với bán kính gió mạnh cấp 6 khoảng 300km thì vùng ben biển đã bắt đầu cảm nhận được gió,mưa tăng dần.
Từ ngày 19/12, dự báo bão có nhiều dấu hiệu đổi hướng và di chuyển theo hướng Bắc, đi dọc vùng biển các tỉnh Trung Bộ (từ Khánh Hòa đến Quảng Trị) cường độ suy yếu dần còn cấp 11-12, giật cấp 15. Đến sáng 20/12, khi cách bờ biển Đà Nẵng-Bình Định khoảng 150km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 12 (120-135km/giờ). Với sai số dự báo 72 giờ là khoảng 200-220km, hoàn toàn có khả năng tâm bão sẽ vào sát đất liền nước ta. Với khoảng cách và khả năng ảnh hưởng rất cao như vậy nên ngày 19-20/12 sẽ là thời điểm gió mạnh nhất ở vùng ven biển và đất liền nước ta.
Để ứng phó với siêu bão RAI, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra 2 kịch bản tác động của siêu bão RAI đối với các tỉnh, thành ven biển nước ta:
Kịch bản tác động 01: Bão di chuyển theo dự báo hiện tai (xác xuất 80%) (trong trường hợp này cần lưu ý có khả năng bão đi sâu hơn, vượt qua kinh tuyến 110 và đi vào trong kinh tuyến 109 và có thể đi dọc ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các huyện ven biển ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có thể chịu tác động trực tiếp của bão số 9) sau khi tiến sát đất liền miền Trung bão sẽ đổi hướng đi lên phía Bắc.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển phía Đông khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc của quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây của bão số 9 từ tối và đêm ngày mai 18/12 sẽ chịu ảnh hưởng của rìa phía Tây của hoàn lưu bão số 9 cộng với tác động của không khí lạnh, nên gió ở khu vực biển từ Quảng Bình đến Bình Định, Phú Yên bắt đầu mạnh lên cấp 8, ngày 19-20/12 dự báo sức gió gió trên các vùng biển này có khả năng lên tới cấp 10-11, trong số các khu vực có điểm đo như đảo Lý Sơn được dự báo là nơi sẽ có gió mạnh nhất do ảnh hưởng của cơn bão này. Trong thời gian từ 19/12 đến rạng sáng ngày 20/12, tại đảo Lý Sơn dự báo có thể đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Ngoài ra, Phú Quý dự báo có thể có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trong ngày 18/12; Cồn Cỏ cấp 7, cấp 8, giật cấp 9-10 trong ngày 19-20/12. Vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có gió cấp 6-7, giật cấp 9.
Từ đêm 18/12 đến hết ngày 19/12, do ảnh hưởng của bão, khu vực Trung và Nam sẽ có mưa to, dự báo tổng lượng mưa dự báo khoảng 150-250mm. Bão đi nhanh nên mưa cũng sẽ kết thúc nhanh.
Kịch bản thứ 2 (gây rủi ro lớn nhất): Bão vượt qua kinh tuyến 110 và đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi (xác suất 20%), đối với kịch bản này khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, kèm theo sóng lớn 5-7m, nước dâng do bão từ 1m; lượng mưa phổ biến từ 200-250mm, gió trên biển không khác so với kịch bản 01.
Lưu ý công tác ưng phó: Hiện tại bão RAI chưa vào biển Đông vì thế khả năng đi sát kinh tuyến 110 và đi lên phía Bắc cũng chỉ là một khả năng, thậm chí khả năng bão đổ bộ trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi rồi sau đó mới đi lên phía Bắc cũng là một khả năng; vì vậy các địa phương miền Trung ngoài phương án ứng phó với gió mạnh trên biển, còn cần xây dựng kịch bản ứng phó với khả năng cơn bão mạnh này ảnh hưởng đến đất liền.
Một số tác động thiệt hại của bão RAI ở Philippin: Bão Rai đổ bộ vào miền Nam Philippines gây thiệt hại trên diện rộng, làm đổ nhiều cây lớn, nhiều mái nhà bằng thiếc bị vỡ, tốc mái và làm sập nhiều nguồn điện. Nước lũ dâng cao ngang ngực và làm gián đoạn các nỗ lực tiêm chủng COVID-19, các trường học và nơi làm việc phải đóng cửa, các lớp học trực tuyến và công việc đã bị đình chỉ. Hơn 98.000 người đã phải sơ tán vào nơi trú ẩn khẩn cấp. Bão đã gây thiệt hại rất nặng cho các công trình, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra. Nhiều chuyến bay đã bị hủy và hàng chục bến cảng tạm thời đóng cửa, khiến khoảng 4.000 hành khách và công nhân trên phà và tàu chở hàng bị mắc kẹt tại hàng chục cảng miền Nam và miền Trung. Chưa có các báo cáo thống kê chính thức nhưng đã có ít nhất một người chết và một cháu bé bị thương do mưa lũ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị